Điều đáng nói là tất cả các hàng bán thịt gia cầm ở chợ khi được hỏi đều chỉ nói qua loa về nguồn gốc "gà quê", nhưng người mua vẫn đông.
Khó phân biệt
Được quảng cáo là gà ta nhưng giá bán chỉ 100.000 đồng/kg (thịt sẵn), rẻ hơn gà ta xịn tới 60.000 đồng/kg, mặt hàng này được bày bán khá nhiều tại một số chợ của Hà Nội. Cụ thể, tại chợ Gia Lâm, gà công nghiệp giết mổ sẵn có giá 60 đến 70.000 đồng/kg, gà ta mổ sẵn có giá 140.000 đồng/kg. Khi được hỏi, một chủ sạp gà một mực khẳng định đó không phải là gà có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại một số chợ vùng ven như Vĩnh Hưng, Thanh Trì, Cổ Nhuế... phần lớn gà bán sẵn không có dấu kiểm dịch, không có nguồn gốc rõ ràng. Khi người mua ngỏ ý lo lắng về dịch cúm gia cầm, người bán hàng ở những chợ này xua tay: "Yên tâm đi, lấy đâu ra gà Trung Quốc".
Tại chợ Dịch Vọng, Cầu Giấy, một tiểu thương cũng giới thiệu đang bán loại gà ta giá 90.000 đồng/kg. Chị cho biết, đây là gà mía rất ngon và dai. Theo tiểu thương này, hàng ngày có hàng chục quán cơm bình dân, quán phở là khách thường xuyên của cửa hàng chị. "Gà này nấu hoặc xào không có nước. Khi luộc xé ra làm phở, miếng mỏng, thịt dai ngon lắm", tiểu thương này giới thiệu.
Trong khi các tiểu thương bán gà làm sẵn lý giải đây là gà ta hoặc gà mía do được nuôi bằng cám tăng trọng nên mới có giá rẻ. Tuy nhiên, theo những người bán gà ta sống cho biết, không có gà ta nào giá rẻ như vậy. Mặc dù các cơ quan chức năng làm chặt từ biên giới nhưng không vì thế mà không mua được gà Trung Quốc nhập lậu giá rẻ. Tuy nhiên, để nhận biết đâu là gà thải loại, đâu là gà ta, không phải người tiêu dùng nào cũng có thể biết được.
Gà làm sẵn được bày bán tại chợ Hôm. Ảnh: Trần Việt
Gà thải loại "biến thành"... gà ta
Những ngày qua, người tiêu dùng đang e ngại với các loại gà chăn nuôi theo lối công nghiệp vì thông tin chất cấm sử dụng tràn lan trong chăn nuôi. Vì vậy, những loại gà chăn nuôi truyền thống, đặc biệt là gà ta rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, theo một thương lái, không thể có nhiều gà ta để bán đến như vậy, vì gà ta chăn thả theo cách truyền thống phải mất gần nửa năm mới được một lứa, nhiều hộ nuôi ít, không có giấy kiểm dịch thú y nên rất khó đưa gà vào TP tiêu thụ. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, một lượng lớn gà "xác", gà loại thải từ các trang trại nuôi gà đẻ trứng đã được "ta hóa" rồi bán ngang bằng với giá gà ta. Loại gà thải này có thịt giòn, dai… nên nhiều người lầm tưởng đó là gà ta, gà mía.
Theo PSG.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, giá gà loại thải đúng ra chỉ bằng một phần ba giá gà tơ, gà thịt. Tại nhiều nước trên thế giới, loại gà già sau khi loại khỏi đàn chỉ được tận dụng một phần thịt để làm nguyên liệu bổ sung vào một số loại xúc xích, phần lớn được nghiền làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng do thói quen tiêu dùng ở Việt Nam, những sản phẩm loại thải này đôi khi lại trở thành… khoái khẩu. "Người tiêu dùng mua những sản phẩm này với giá tương đương hoặc thấp hơn so với sản phẩm đúng chất lượng, cứ ngỡ là rẻ nhưng thực ra họ đang bị móc túi…", ông Vang nói.
Ghi nhận tại các nhà hàng quán ăn chuyên doanh thịt gia cầm, đến thời điểm này vẫn đông khách. Cả người bán lẫn người ăn đều tỏ ra vô tư, ít quan tâm tới dịch cúm. Anh Thắng (Đống Đa) chia sẻ: "Mấy hôm nay tiết trời Hà Nội trở lạnh, nên nhóm bạn tôi tối nào cũng tụ tập góp tiền ăn lẩu. Món lẩu gà luôn là lựa chọn được ưa thích. Cũng nghe nhiều thông tin về dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc, nhưng nếu Việt Nam có bị ảnh hưởng thì chỉ những người trực tiếp giết mổ mới lo thôi…".
Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, với nhiều hình thức tinh vi, kín đáo, gà thải loại Trung Quốc vẫn được tuồn vào Việt Nam và len lỏi vào cả chợ lớn, chợ cóc. Bởi vậy, Cục Chăn nuôi khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua gà trôi nổi ngoài thị trường, nhất là những sản phẩm gà đã qua giết mổ mà không có tem, dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng. Cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để tránh mua phải gà loại thải làm sẵn, tốt nhất người tiêu dùng nên tìm mua gà tươi sống. |