Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gadhafi và 200 tỷ USD cất giấu ở nước ngoài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thông tin mới được công bố của các nhà điều tra ở Mỹ và châu Âu, trước khi chết, cựu lãnh đạo Libya Gadhafi đã bí mật cất giấu hơn 200 tỷ USD trong các ngân hàng, bất động sản và các công ty lớn trên khắp thế giới.

Số tiền này nếu chia cho người dân Libya mỗi người sẽ được khoảng 30.000 USD và gấp đôi con số các chính phủ phương Tây dự đoán trước đó.

Thông tin trên được các quan chức thuộc chính quyền mới ở Libya tiết lộ. Ước tính mới về số tiền mặt, dự trữ vàng và các khoản đầu tư bí mật trên của cựu lãnh đạo Libya khiến nhiều người “sửng sốt”.

Nếu số tiền được chứng minh là sự thật, thì ông Gadhafi sẽ đi vào lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo giàu có nhất và cũng là một trong những con người kỳ lạ nhất.

Tiết lộ về con số khổng lồ trên có thể khiến người Libya, với khoảng 1/3 sống trong nghèo đói, tức giận.  Tuy nhiên, chính quyền chuyển tiếp Libya chắc chắn sẽ có thêm động lực để đưa khoản tiền khổng lồ trở lại Libya, nhằm giúp cho kế hoạch tham vọng của họ, đó là hiện đại hóa đất nước, sau 42 năm nắm quyền của ông Gadhafi.

Theo nhiều nhà phân tích, trong suốt 42 năm nắm quyền ông Gadhafi chỉ đưa các khoản viện trợ và đầu tư về nhằm làm lợi cho gia đình, bộ lạc của mình.

Giới chức chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đã vô cùng kinh ngạc khi mùa xuân năm ngoái họ phát hiện 37 tỷ USD trong các tài khoản và các khoản đầu tư của chính quyền Gadhafi tại Mỹ. Họ đã nhanh chóng đóng băng các tài sản này trước khi ông Gadhafi và các phụ tá có thể rút chúng lại.

Chính phủ Pháp, Italia, Anh và Đức cũng thu giữ khoảng 30 tỷ USD hoặc hơn. Các nhà điều tra ước tính ông Gadhafi đã cất giấu khoảng 30 tỷ USD nữa ở khắp thế giới, đưa tổng số tiền được cất giấu ở nước ngoài lên tới khoảng 100 tỷ USD.

Song những cuộc điều tra sau đó do giới chức Mỹ, châu Âu và Libya tiến hành cho thấy ông Gadhafi đã bí mật gửi hàng chục tỷ đô la nữa ra nước ngoài trong suốt nhiều năm và có những khoản đầu tư béo bở ở gần như mọi nước lớn trên thế giới, mà hầu hết là ở Trung Đông, Đông Nam Á.

Hầu hết các khoản tiền đó được lấy dưới tên của các cơ quan chính phủ, như Ngân hàng trung ương Libya, Cơ quan đầu tư Libya, Ngân hàng nước ngoài Libya, Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya và Danh mục đầu tư châu Phi Libya.

Song theo các nhà điều tra, ông Gadhafi và các thành viên trong gia đình có thể tiếp cận với bất kỳ khoản tiền nào, nếu họ muốn.

Cổ phần ở câu lạc bộ bóng đá Juventus, Italia

 

Một bức điện tín của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ cho thấy, vào năm 2006, chính phủ Libya đã có nhiều cổ phần ở Italia, trong đó có 2% ở Fiat, 15% ở công ty năng lượng Tamoil, 7,5% ở câu lạc bộ bóng đá Juventus, nơi con trai Saadi của ông Gadhafi từng chơi.

 

Bức điện tín cho biết, một quỹ có tên gọi LFICO cũng đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào Anh. Pearson, nhà xuất bản lớn của Anh đồng thời là cơ quan sở hữu tờ Financial Times ở London, hồi tháng 3 vừa qua công bố, họ đã đóng băng 3,27% cổ phần của hãng này do Công ty đầu tư Libya nắm giữ.

“Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình”, người phát ngôn của Pearson cho hay vào hôm thứ sáu vừa qua. “Một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Pearson sẽ có những biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng cổ phần và cổ tức được trả vào khoản bị đóng băng sẽ sớm được mở trở lại”.

Khó có thể lấy lại hết

Các chuyên gia cho rằng để “định vị” những khoản tiền trên đã khó, lấy lại chúng càng khó hơn.

“Tìm kiếm những khoản tiền này cần phải có một hệ thống pháp lý tài chính thật tiên tiến và khi đó cũng sẽ vẫn rất khó để ‘định vị’ được chúng”, Victor Comras, một cựu chuyên gia về vấn đề rửa tiền của Liên hợp quốc và của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

John Christensen, cựu cố vấn kinh tế về thuế ở Mỹ, cho biết những khoản tài sản đó có thể được giấu ở các quỹ tín dụng hoặc ở các công ty bình phong.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, trước khi có thể lấy được bất kỳ tài sản nào, giới chức mới ở Tripoli phải thiết lập được các bước và cơ chế chính phủ có thể xử lý một cách hiệu quả, tin cậy số tiền khổng lồ trên.

Tháng trước Liên hợp quốc đã phê chuẩn cho chính phủ Mỹ lấy 1,5 tỷ USD trong số tài sản đóng băng của Libya để hỗ trợ cho Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC). Tuy nhiên, một quan chức Mỹ hôm thứ năm vừa qua cho biết cho đến nay NTC mới yêu cầu hỗ trợ cho họ khoảng 700 triệu USD trong số 1,5 tỷ đó.

Giới chức châu Âu cùng các chuyên gia tư nhân cho biết không có một khung pháp lý toàn cầu và cũng không có hiệp ước nào đưa ra các bước để tìm, phục hồi và hồi hương các khoản tài sản bị chính quyền bị lật đổ sử dụng sai hoặc lạm dụng.

Nỗ lực lấy lại tài sản cũng có thể trở nên phức tạp hơn bởi những tranh chấp pháp lý. Ví dụ rõ nhất là nạn nhân của vụ đánh bom do IRA ở Bắc Ireland thực hiện, với thuốc nổ được cho là do ông Gadhafi cung cấp.

Theo một chuyên gia, đối phó với những tranh chấp như thế và quá trình phục hồi lại tất cả các khối tài sản trong suốt 42 năm nắm quyền của ông Gadhafi sẽ là “một tiến trình pháp lý cực kỳ lộn xộn”.

Các ngân hàng đang nắm giữ tài sản của ông Gadhfi và gia đình ông có thể “giờ đây sẽ hành động thể như các khoản tài sản đó là của họ”, đặc biệt với những khoản đã được chuyển thành tài sản cá nhân. Mặt khác, một số thành viên gia đình ông Gadhafi có thể cuối cùng sẽ bị đưa ra công lý, một số khác chắc chắn sẽ phải ẩn mình.