KTĐT - Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết tính đến ngày 29/1, 297.000ha diện tích đất cấy lúa vụ đông xuân 2009-2010 đã có nước, đạt trên 55% kế hoạch.
Diện tích lúa xuân 2010 cần tưới khoảng 627.000ha, trong đó làm diện tích làm ải khoảng 582.000ha (tăng 55.000ha so với vụ trước).
Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ diện tích có nước cao là Ninh Bình 81%, Nam Định 79%, Hải Dương 73%, Phú Thọ 80%; một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ thấp là Vĩnh Phúc 25%, Bắc Ninh 37%, Thái Bình 30%...
Từ cuối tháng 12/2009 đến giữa tháng 1/2010, các địa phương đã chủ động huy động mọi phương tiện và tập trung lấy nước vào ruộng, trữ nước tối đa vào kênh trục, vùng trũng thấp, ao, đầm... Một số trạm bơm ở Hà Nội tổ chức vận hành liên tục không ngừng bơm. Từ ngày 25/1đến nay, các địa phương tổ chức lấy nước tối đa theo lịch (đợt 1 từ ngày 26/1-3/2).
Hiện, vẫn trong thời gian lấy nước đợt 1, các địa phương phải chỉ đạo và tổ chức thực hiện lấy nước đổ ải lúa xuân 2010 đạt hiệu quả, đã huy động mọi phương tiện để lấy nước và trữ nước vào kênh trục, vùng trũng, ao đầm... thường xuyên kiểm tra giải tỏa vật cản, khơi thông dòng chảy để dẫn nước đến mặt ruộng, khoanh vùng để quản lý nước, giảm lượng nước rò rỉ, tổn thất.
Bên cạnh đó, các công ty Khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh vận hành các cống điều tiết, phân phối nước hợp lý đối với từng vùng.
Tuy nhiên, do mực nước hạ du sông Hồng có dao động, cùng với việc nhiều vùng lấy nước đồng loạt nên một số nơi như vùng cuối kênh hệ thống thủy lợi, vùng cao cục bộ (như khu vực Kim Bảng, bắc Lý Nhân tỉnh Hà Nam, khu vực Văn Lâm, Văn Giang tỉnh Hưng Yên, khu vực Sơn Tây, Thạch Thất thuộc thành phố Hà Nội...) việc lấy nước có khó khăn hơn các vùng khác.