Tại Pháp, khoảng 14% dân số hiện đang sống dưới ngưỡng nghèo và Hội Chữ thập Đỏ đang phải cung cấp lương thực cho hơn 55 triệu người mỗi năm, đồng thời nhận yêu cầu giúp đỡ thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước, tiền sưởi ấm... Còn Hội chữ thập Đỏ Tây Ban Nha đã phải cung cấp 33.000 tấn lương thực cho khoảng 1 triệu người trong năm 2012, hỗ trợ tìm việc làm cho 60.000 người và giúp 21.500 người trang trải các chi phí như tiền điện, nước, tiền thuê nhà. Ở Hy Lạp, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp lên tới 26%, tổ chức Chữ thập Đỏ Hellenic cũng phải gia tăng trợ giúp tài chính cho những người thật sự cần thiết, cung cấp lương thực và các hỗ trợ về mặt tâm lý khác.
Còn ở Anh, kinh tế khó khăn nên hơn 35% người lao động không thực hiện nổi bất cứ kế hoạch tiết kiệm nào và buộc họ phải tìm kiếm những giải pháp để kiếm thu nhập khi về già. Trong khi đó, tại Đức, tỷ lệ đói nghèo tại đất nước đã nhích dần: Năm 2008, tỷ lệ này là 15,5%, năm 2009 là 15,6% và năm 2010 là 15,8%. Nếu như năm 1998, 50% dân số nghèo nhất của Đức sở hữu 4% tổng tài sản tư nhân nhưng đến năm 2008, giá trị tài sản mà họ nắm giữ chỉ là 1%. Ngược lại, 10% dân số giàu có nhất nước lại sở hữu đến 45% tài sản năm 1998 và năm 2008 tăng lên mức 53%. Những con số này cho thấy ngay tại quốc gia thịnh vượng nhất của châu Âu, số người phải sống trong tình cảnh nghèo khó đang tăng lên từng ngày.
Các dữ liệu về nghèo đói ở ngay cả các quốc gia giàu có đã khuấy động những tranh cãi trên khắp châu Âu. Trong khi lãnh đạo của một số tập đoàn vẫn nhận các khoản lương, thưởng "khủng" lên tới hàng triệu USD còn người lao động phổ thông lại đang trở thành nạn nhân trực tiếp từ các kế hoạch cắt giảm lương thưởng hà khắc. Việc hình thành các tầng lớp dân cư dễ bị tổn thương ngày càng phình to tại châu Âu cũng buộc các công ty hàng hóa tiêu dùng phải điều chỉnh cho thích hợp với thực tế bằng cách sử dụng các chiến lược thương mại đã thành công tại các quốc gia đang phải triển. Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may, gánh nặng này đã buộc châu Âu phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về các chương trình tiết kiệm nhằm khích lệ mọi người nâng cao ý thức tiết kiệm, đồng thời loại bỏ tư tưởng “hưởng thụ hết mình” vốn đã ăn sâu trong xã hội châu Âu.