Hết nỗi lo được mùa, mất giá
Từ năm 2012, nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) thực hiện thí điểm dự án PAMCI - canh tác lúa theo phương pháp hữu cơ do Nhật Bản hỗ trợ. Trên cơ sở thành công của dự án này, năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được thành lập. Hiện nay, HTX có 103 thành viên, canh tác trên diện tích 25ha. Từ vụ Xuân năm 2019, HTX đã liên kết với Công ty Green Path tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của xã viên. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế canh tác lúa hữu cơ được nâng lên rõ rệt, đạt 180 triệu đồng/ha/năm, tăng xấp xỉ 2 lần so với canh tác thông thường. Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, nếu như những năm trước đây, bà con trồng lúa canh tác vất vả, xác định chỉ lấy công làm lãi và luôn thấp thỏm về đầu ra của sản phẩm thì nay, nỗi trăn trở đó được hóa giải.
Sản phẩm lúa hữu cơ Đồng Phú đã được cấp chứng nhận PAMCI theo mùa vụ và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041-1:2017). Đây cũng sản phẩm của chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản tiêu biểu của Hà Nội theo hình thức liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh) và đang được TP hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu. |
Đã quen với cách làm nông nghiệp hữu cơ 7 năm nay, bà Dương Thị Lành, ở thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú phấn khởi chia sẻ, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ vất vả hơn phương thức thông thường nhưng gạo khi nấu chín ăn rất ngon, dẻo, vị đậm. Đất được bón bằng phân chim ủ hoai mục, nước tưới vào đồng ruộng được lọc thông qua than hoạt tính nên hạt gạo được làm ra không chỉ sạch mà còn đảm bảo sức khỏe. “Niềm vui nhân đôi khi năm nay lúa được mùa, lại được DN thu mua thóc tươi ngay tại ruộng với giá cao hơn mặt bằng chung. Có đầu ra ổn định, chúng tôi có thêm thu nhập, yên tâm sản xuất hơn” – bà Lành cho hay.
Chinh phục thị trường khó tính
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, trong quá trình sản xuất, nông dân Đồng Phú tuân thủ việc ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử, đảm bảo minh bạch mọi công đoạn từ việc gắn camera trên đồng ruộng đến chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, phối hợp cùng DN dán tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm rộng rãi nên người tiêu dùng có thể kiểm tra xác thực mọi thông tin về sản phẩm. Đây được coi là những điểm cộng của gạo hữu cơ Đồng Phú khi vừa nâng cao được giá trị sản phẩm vừa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Hiện, sản phẩm lúa hữu cơ Đồng Phú đã được Trung tâm Phân tích và Kiểm định chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn. Phía Công ty Green Path cũng đang hoàn tất các thủ tục để đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế USDA của Mỹ.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng của các thị trường khó tính, vụ Đông 2019, Công ty tiếp tục liên kết với nông dân Đồng Phú canh tác 45ha đậu tương và khoai tây hữu cơ. Về định hướng lâu dài, từ năm 2020, Công ty sẽ mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ lên tới hàng nghìn héc ta tại nhiều tỉnh, thành. “Không chỉ đồng hành cùng nông dân sản xuất, Công ty còn ký kết hợp đồng đầu tư, quản lý vùng trồng, chế biến, bảo quản quy mô công nghiệp, tiêu thụ thị trường cao cấp để sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú nói riêng và gạo hữu cơ Việt Nam nói chung, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu sang thị trường Mỹ” - Giám đốc Công ty Green Path Phùng Thị Thu Hương nhấn mạnh.