Trong “bão” có cơ hội
Khi “bão” Covid-19 đang càn quét khiến du lịch Việt Nam thiệt hại nặng nề và VietSense Travel cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, nhưng CEO Nguyễn Văn Tài không hề nao núng. Ông ra sức nâng cao kỹ năng, trình độ cho nhân viên, củng cố hệ thống quản lý nội bộ, làm tốt quy trình, tiêu chuẩn phục vụ khách, tăng cường áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, marketing online, nghiên cứu phát triển thị trường… nhằm hút khách và đón làn sóng du lịch sau thời gian bị dồn nén vì đại dịch cũng như mùa cao điểm.
CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài nhận giải thưởng Top 10 Công ty Lữ hành nội địa hàng đầu Việt Nam 2018. |
“Trong khủng hoảng, tôi nhìn thấy cơ hội phát triển thị trường tiềm năng, cơ hội mua được nguồn dịch vụ giá rẻ để xây dựng các sản phẩm khuyến mại phục vụ khách hàng sau đại dịch” - CEO VietSense Travel tiết lộ và bật mí: “Trong đại dịch, những du khách thông thái vẫn sẵn sàng xách ba lô lên và đi, vì những ngày này các khu, điểm du lịch khá vắng vẻ, giá cả lại rất rẻ. Minh chứng là chúng tôi vẫn bán được rất nhiều tour đi Côn Đảo, Quy Nhơn, Nga, châu Âu”. Đồng thời khẳng định, thời điểm này, DN biết áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, marketing, thích ứng nhanh với môi trường biến động sẽ lớn rất nhanh và đạt được thành công.
Ông cho biết, sau thời gian làm quản lý cho một hãng lữ hành tư nhân, được giao công việc như một giám đốc điều hành, nhưng ông luôn cảm thấy có quá ít đất cho mình hiện thực hóa hàng loạt ý tưởng. Bởi thế, ông táo bạo vay vốn ngân hàng để “ra riêng” và thành lập VietSense Travel vào tháng 6/2010.
“VietSense có nghĩa là cảm xúc Việt, giác quan Việt. Cảm xúc tôi dành cho du lịch rất bỏng cháy, đã biến thành niềm đam mê, cho nên slogan của công ty là “Du lịch với niềm đam mê”. Tôi mong muốn cảm xúc này của mình được lan tỏa tới những khách hàng của mình” - ông Tài cho hay.
Công nghệ “kết duyên” với đam mê
“Thành lập VietSense chỉ với 35 triệu đồng trong tay, tôi chỉ dám thuê văn phòng rộng chừng 20m2 tại số 9 dốc Thọ Lão và 3 nhân viên. Thời gian đầu, tôi làm tất cả mọi việc, từ bán tour, làm hướng dẫn viên, văn phòng… Lúc đó chỉ biết gõ cửa người thân, bạn bè mời và xin lời giới thiệu từ họ; rồi mời chào các cơ quan, xí nghiệp, nhưng lượng khách hàng quá ít ỏi. Một doanh nhân ba không: không quan hệ, không tài chính, không kinh nghiệm, khách hàng chưa dám đặt niềm tin cho một ông chủ trẻ con như tôi” - ông Tài hồi nhớ.
Lúc bấy giờ, chuyện cơm, áo, gạo, tiền cứ quẩn quanh, có lúc tôi đã nghĩ hay lại trở lại làm công như xưa? Nhiều đêm trắng trăn trở làm sao để đam mê của mình không lụi tắt. Hy vọng của tôi lóe sáng khi biết đến xu hướng marketting online. Sau 2 năm “sống lay lắt”, cuối năm 2012, tôi dành 6 tháng học một khóa về marketing online, đúng thời điểm lĩnh vực này bắt đầu bùng nổ. Tôi thuê người viết website và mất 6 tháng nữa để mỗi đêm tự “cày cuốc” viết bài, dùng thủ thuật SEO, đưa website lên vị trí top của Google. Cứ như thế, VietSense Travel xây dựng và vận hành hơn 100 website du lịch.
Đó là dấu mốc quan trọng mang đến những khách hàng tiềm năng cho VietSense có và liên tục tăng trưởng từ đó đến nay với tất cả các sản phẩm du lịch bao gồm tour nội địa, outbound và inbound; cùng các dịch vụ cho thuê xe du lịch, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, hỗ trợ từng phần cho khách hàng.
Năm 2015, VietSense khẳng định thương hiệu khi tổ chức tour cho đoàn khách hơn 1.000 người của Tập đoàn FPT tại Hạ Long (Quảng Ninh). Tôi đã phải vay mượn khắp nơi, cắm cả nhà, cả xe để có đủ 3 tỷ đồng lo kinh phí đối ứng, đặt trước dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận chuyển… cho đoàn khách. Sự kiện thành công ngoài mong đợi, uy tín, thương hiệu của VietSense Travel càng tăng lên cấp số nhân. Từ đó, lượng khách tăng trưởng vượt bậc.
Cách làm khó với mô hình kinh doanh chuyên tuyến
Khác với cách làm của các DN lữ hành truyền thống là bán hàng dựa trên quan hệ, kênh khai thác khách hàng của VietSense Travel chủ yếu đến từ internet, với số lượng tên miền sở hữu lên tới hơn 100. Trong đó, mỗi website là một trang chuyên sâu tại một điểm du lịch.
Ông Tài hé lộ: “Các công ty truyền thống thường tìm kiếm khách hàng rồi xây dựng sản phẩm, tổ chức cho nhiều người để đạt được giá tốt. VietSense Travel làm ngược lại, đó là xây dựng mô hình chuyên tuyến và ấn định ngày khởi hành, sau đó gom khách. Ký với một người cho hàng trăm người đi rất dễ, nhưng ký với hàng trăm người để tổ chức một chuyến đi là điều không đơn giản”.
Chọn cách làm khó khiến VietSense Travel phải xây dựng một bộ máy nhân sự cũng đồ sộ như số lượng website đang sở hữu. Đây là điểm khác biệt của VietSense Travel so với hầu hết các công ty lữ hành khác là duy trì một bộ máy tinh gọn. Tuy nhiên, đó cũng chính là điểm tạo ra lợi thế của hãng lữ hành này. Đó là, các công ty lữ hành khác hoạt động theo mô hình nhân viên kinh doanh tìm kiếm khách hàng và bán rất nhiều sản phẩm, sau đó chuyển sang bộ phận điều hành tour. Vì hai mảng này khác nhau, tư vấn là một người, thực hiện yêu cầu của khách lại là người khác nên dễ dẫn đến lời nói và hành động bất nhất nếu truyền đạt thông tin sai.
“Trong khi mô hình chuyên tuyến của VietSense Travel, một chuyên viên phụ trách tuyến từ tư vấn, bán hàng, đại diện công ty làm việc về hợp đồng, điều hành tour, chăm sóc khách hàng… Do vậy, các “chuyên gia” của chúng tôi không chỉ hiểu nhu cầu, mong muốn của khách hàng mà còn chăm sóc họ tốt hơn sự mong đợi của các “thượng đế”, ông Tài cho biết và tự hào: “Bởi vậy, mỗi tuyến đều đạt doanh số rất tốt. Đặc biệt, sau mỗi lần điều hành, tổ chức tour, họ lại tích lũy được nhiều kinh nghiệm, sự hiểu biết về đối tác. Các cộng sự của tôi ngày càng chuyên nghiệp, có khối lượng kiến thức khổng lồ và trọn vẹn”.
Ông Tài nhấn mạnh: “Muốn thành công, trước hết phải có đam mê, sau là tìm được cộng sự và ứng dụng công nghệ. Cộng sự phải là người bổ sung những cái mình còn thiếu. Công nghệ là cánh tay nối dài để tiếp cận và thu hút khách hàng. Tôi may mắn vì đã quy tụ được rất nhiều cá nhân tài năng, nhiệt huyết và kinh nghiệm để cùng sát cánh đưa con tàu VietSense Travel vượt đại dương”. Năm 2019, VietSense Travel đã phục vụ khoảng 22.000 lượt khách lẻ, chiếm thị phần đáng kể trong “miếng bánh” kinh doanh du lịch tại Việt Nam.
“Tôi luôn tìm cách xây dựng đội ngũ hạt giống. 6 trưởng phòng của VietSense Travel là những người cộng sự luôn sát cánh cùng tôi. Tôi chỉ bàn kế hoạch với họ, sau đó đặt niềm tin ở họ, để họ làm việc độc lập. Đây là sự chia sẻ về quyền lực, tài chính và kinh nghiệm. Mỗi trưởng phòng của tôi có thể coi là một CEO chủ động quản lý, vận hành, lãnh đạo đội ngũ cấp dưới. Chính vì thế, tôi có phần bí ẩn đối với nhân viên của mình” - ông Tài nói.
Trong kinh doanh, ông Tài và các cộng sự luôn coi khách hàng là ông chủ của mình, bởi đó là những người quyết định sự sống còn của công ty và trả lương cho họ. “Chúng tôi luôn phục vụ khách hàng chu đáo nhất với sự trân trọng nhất bằng hết khả năng của mình. Chúng tôi luôn cầu thị nhưng không cam chịu. VietSense luôn chủ động để mọi cuộc đối thoại, đàm phán diễn ra bình đẳng và văn minh nhất nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời nhất” - vị doanh nhân nói.
Vị doanh nhân cho biết, hiện ông đang ấp ủ xây dựng chuỗi vòng tròn VietSense gồm VietSense Travel, VietSense Restaurant, VietSense Hotel và VietSense Transport thông qua những cái “bắt tay”.
“Tôi muốn cùng các cộng sự của mình mang đến thật nhiều điều thú vị cho các “thượng đế” của mình. Tôi mơ ước được góp sức xây dựng ngành công nghiệp không khói Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có uy tín và thương hiệu trên trường quốc tế” - ông Tài bày tỏ.
CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài: “Tôi có nguyên tắc 3B. Đầu tiên phải làm Bạn một cách chân thành, sau đó mới Bàn và Bán. Tôi hợp tác với những người bạn giỏi và có sự hòa hợp nhất định về tính cách. Quan điểm của tôi là chỉ hợp tác, chứ không thuê mướn, bởi mỗi nguời có một thế mạnh và chúng ta nên bắt tay với nhau để bổ sung các thế mạnh đó cho nhau. Bài toán của tôi là tạo ra một cái bánh thật to để tôi chỉ là một phần trong đó, hơn là một mình tôi với chiếc bánh nhỏ xíu”. |