Trong bối cảnh quan hệ giữa Washington - Bắc Kinh trải qua không ít sóng gió với vị thế của hai đối thủ hơn là hai đối tác cạnh tranh, cuộc gặp này đã mở ra cơ hội định hình quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian tới theo hướng “quan hệ siêu cường kiểu mới”.
Theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama sẽ có thời gian để bàn thảo từ các vấn đề song phương như quan hệ thương mại hai nước, cải tổ hệ thống tài chính của Trung Quốc, vấn đề an ninh mạng đến các vấn đề quốc tế khác như khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ tại đảo Senkaku hay tại biển Đông.
Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là hai nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nên vai trò, vị thế của mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên quan trọng trong việc định hình các chuyển động chính trị, kinh tế toàn cầu. Tất nhiên, chỉ có Mỹ - Trung sẽ không thể giải quyết được mọi vấn đề của thế giới, nhưng nếu hai nước này không chịu hợp tác với nhau thì bất kỳ vấn đề nào, dù nhỏ nhất cũng khó có thể giải quyết được. Vì thế, quan hệ Mỹ - Trung đã vượt ra khỏi khuôn khổ của mối quan hệ song phương đơn thuần và trở thành khối “cộng đồng vận mệnh và cộng hưởng lợi ích”.
Tuy nhiên, va chạm về lợi ích giữa hai nước lớn là không thể tránh khỏi nhất là khi Mỹ - Trung là đại diện của hai cực khác nhau trên cán cân chính trị toàn cầu. Và những bất đồng tồn tại suốt nhiều năm qua giữa Mỹ - Trung chắc chắn sẽ không thể hóa giải trong khuôn khổ của một chuyến thăm. Nhưng nhiều người tin rằng, với mong muốn thể hiện tài năng ngoại giao của mình, cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Tổng thống chủ nhà Obama đều cố gắng hết sức để tăng cường hiểu biết, loại bỏ những nghi kỵ, xây dựng lòng tin để hình thành quan hệ kiểu mới giữa hai siêu cường kinh tế và quân sự của thế giới.