Nhiều chỉ số kinh tế giảm mạnh
Cụ thể, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 7,91%. Các ngành dịch vụ lưu trú ăn uống, vận tải kho bãi, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ đều tăng trưởng âm với mức giảm lần lượt là 11,04%; 0,9% và 3,5%. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK tăng 0,5%, NK giảm 1,9%. Xuất siêu quý I ước tính đạt 2,8 tỷ USD. Các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; du lịch, dịch vụ đều bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ một số lĩnh vực có tăng trưởng tạm ổn định như bảo hiểm, thông tin truyền thông, y tế, trợ giúp xã hội…
Trong quý I/2020, thị trường chứng khoán ghi nhận khu vực DN gặp nhiều khó khăn. Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn DN, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi quý I/2020, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 0,68% (cùng kỳ năm ngoái tăng 1,9%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2020, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 3,9 tỷ USD.
GDP có thể giảm hơn 65.000 tỷ đồng do dịch Covid-19
Mức tăng 3,8% thấp hơn rất nhiều so với con số dự báo của các tổ chức là GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%. Đồng thời thấp hơn 2,97% so với mức 6,79% GDP của quý I/2019. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng số tăng trưởng GDP ước đạt 3,82% trong quý I/2020 vẫn là kết quả tích cực khi những nền kinh tế lớn trên thế giới đang chứng kiến tình trạng suy giảm. Và con số tăng trưởng thực có thể thấp hơn bởi khó khăn và tổn thất của khu vực DN do Covid-19 chưa được đánh giá và ước tính đầy đủ trong một thời gian ngắn.
Theo TCTK, nếu dịch Covid-19 kéo dài sang đến quý III thì GDP của Việt Nam có thể giảm 65.230 tỷ đồng, trong đó ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống thiệt hại nặng nhất với mức giảm 22.880 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, nêu quan điểm về việc có nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để đạt cả năm 6,8%, thì phải có kịch bản mới cho từng quý sau tăng trưởng ra sao. Nhưng theo chúng tôi, rất khó đạt được trong tình hình hiện nay. Độ mở của nền kinh tế hiện rất lớn, như quý I là trên 240% nên chúng ta phụ thuộc rất nhiều bên ngoài.
Theo tính toán của TCTK, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Điều này hàm ý rằng vốn đầu tư công có vai trò là nguồn vốn “mồi”, thúc đẩy đầu tư từ các khu vực khác. “Nếu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% sẽ giúp GDP tăng 0,42%. Riêng với ngành xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% giúp ngành này tăng thêm 1,24% điểm phần trăm” - Vụ Xây dựng và Vốn đầu tư (TCTK) Nguyễn Việt Phong cho biết. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động. "Nếu hệ số ICOR giảm 0,5 thì GDP tăng 0,64 điểm phần trăm. Nếu ICOR giảm xuống còn 4,9 thì GDP tăng thêm 1,42%. Nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP tăng 0,94 điểm phần trăm” - ông Phong nói thêm.
Về kịch bản tăng trưởng mới cho năm 2020, sau khi có kết quả tăng trưởng GDP quý I, cơ quan thống kê đưa ra 2 kịch bản mới. Ở kịch bản 1, nếu chúng ta dập dịch thành công trong quý II thì tăng trưởng sẽ ở mức trên 5%. Kịch bản 2 là dịch kéo dài sang quý III, mức tăng trưởng dự kiến vẫn là trên 5%, tuy nhiên ở mức thấp hơn kịch bản 1. Trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm, mức tăng trưởng trên 5% là một thành công. Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm |