Nhận định này được đưa ra trong Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tại Diễn đàn Phát triển DN và chất lượng tăng trưởng, tổ chức ngày 8/4.
Quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp
Báo cáo thường niên chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đi xuống từ năm 2008 - 2009, trùng với khó khăn của nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ đã đưa ra nhiều gói kích cầu trong năm 2009 - 2010, tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục. Điều này cho thấy, chất lượng tăng trưởng không bền vững. Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI, nền kinh tế tăng trưởng không bền vững thể hiện rõ ở năng suất lao động gia tăng chậm, hiệu quả đầu tư giảm, xuất khẩu là yếu tố tích cực nhất cho tăng trưởng nhưng giá trị gia tăng mà xuất khẩu mang lại không cao; đầu tư công vẫn chiếm tỷ lệ cao; nợ xấu chưa được giải quyết…
Sản xuất hàng tiêu dùng tại Công ty Kim khí Thăng Long.
|
Năm qua, mặc dù số DN đăng ký tăng nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, số liệu từ báo cáo cho thấy, quy mô DN có xu hướng ngày càng nhỏ đi. Đáng chú ý là số lượng DN hộ kinh doanh cá thể tăng khá mạnh trong những năm qua. Năm 2007, số lượng hộ kinh doanh cá thể là 3,8 triệu hộ, nhưng năm 2012 đã tăng lên 4,6 triệu hộ. "Đây là xu thế cần phải được cải thiện, nếu không, sẽ không có DN đủ lớn để tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh" - bà Hằng lo ngại.
Chia sẻ quan điểm này, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam đang thiếu nhiều DN có quy mô trung bình".
Dự cảm lạc quan cho năm 2014
Khảo sát cho thấy, hầu hết các DN có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014 (chiếm 50,7%); 42,5% số DN được hỏi có khả năng mở rộng quy mô kinh doanh và chỉ có 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh; 0,1% DN có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động. Các DN quyết định mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh là do tin tưởng vào triển vọng kinh tế thuận lợi và sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh cao.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh, ngoài yếu tố lợi nhuận, các yếu tố còn lại đều được dự cảm sẽ tốt lên trong năm 2014. DN dự cảm hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị sẽ tốt hơn rất nhiều so với năm 2013. Điều này dễ hiểu vì thời gian qua, các DN đã đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc nên mọi nguồn lực trong DN sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.
Năm 2013, nhu cầu tiếp cận vốn của DN tăng cao hơn năm 2012: 65,2% số DN trong diện điều tra có nhu cầu vay vốn ngân hàng, trong khi tỷ lệ này năm 2012 là 57,3%. Theo phản ánh của DN, lãi suất cho vay vẫn cao, trong khi kinh doanh không đủ hiệu quả để trả lãi. Điều này phù hợp với thực tế năm 2013 là tốc độ tăng trưởng tín dụng không được cải thiện nhiều.
Nhằm tạo điều kiện cho các DN phát triển trong năm 2014, VCCI khuyến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng phải được thực hiện đồng bộ và nhất quán. Đồng thời, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng theo hướng áp đặt kỷ luật thị trường đối với tất cả các khu vực kinh tế và tăng cường năng lực bộ máy quản lý Nhà nước.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, trên thực tế còn sự phân biệt đối xử giữa DN Nhà nước và DN tư nhân. DN Nhà nước có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn lực ưu đãi hơn DN tư nhân, thậm chí một số DN Nhà nước không phải nộp thuế đất, còn DN vừa và nhỏ lại thiếu những chính sách hỗ trợ phù hợp. Ông Tuyển lấy ví dụ ở Mỹ, 30% mua sắm công dành cho DN nhỏ và vừa, ở Hàn Quốc thì DN lớn không được đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhưng Việt Nam thì chưa có những chính sách tương tự. Khu vực DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, vì thế khó có điều kiện cạnh tranh bình đẳng với DN Nhà nước, dẫn đến quy mô ngày càng thu nhỏ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chưa thuận lợi.