Tuy nhiên, bắt đầu từ nửa cuối năm 2014, công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng khá trở lại. Xu hướng này được tiếp tục trong 2 tháng đầu năm 2015.
Tăng trưởng công nghiệp được nhận diện ở các góc độ khác nhau. Trước hết là tăng trưởng của sản xuất. Toàn ngành tăng với tốc độ hai chữ số. Do Tết Âm lịch năm nay đến muộn, có thời gian nghỉ dài, nên tháng 2 chỉ tăng 7%, nhưng do tháng 1 tăng khá cao, nên tính chung 2 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng công nghiệp đạt được ở cả 4 ngành công nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo - là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, trong đó, công nghiệp dệt, da giày, giấy, vật liệu xây dựng, kim loại, điện tử máy tính, điện thoại, ô tô… tăng với tốc độ khá cao chủ yếu nhờ tiêu thụ tốt. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất để đáp ứng nhu cầu cao hơn, đón đầu phục hồi. Công nghiệp cung cấp nước tăng trưởng khá. Công nghiệp khai khoáng gặp khó khăn do khai thác than năm 2014 không tăng so với 2013 và tháng 1/2015 giảm so với tháng 12/2014 và giảm so với cùng kỳ; khai thác dầu thô và khí đốt thiên nhiên năm 2014 tăng thấp, tháng 2/2015 giảm so với tháng 1, chỉ có khai khoáng khác (đá, cát, sỏi…) tăng khá hơn. Cùng với sản xuất, khâu tiêu thụ và tồn kho của công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và của toàn ngành công nghiệp nói chung đã được cải thiện.
Tốc độ tăng khá của công nghiệp trong 2 tháng đầu năm do nhiều yếu tố. Đầu tiên đó là vốn đầu tư từ nguồn ngân sách so với cùng kỳ năm trước đạt khá hơn, trong đó tháng 1 tăng khá (8,5%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tiếp tục tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo và vốn thực hiện tiếp tục tăng khá (7,1%). Chi phí đầu vào tăng thấp, thậm chí có loại còn giảm, khi giá nhập khẩu 2 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước (giá xăng dầu giảm 48,3%, giá khí đốt hóa lỏng giảm 51,5%, giá chất dẻo giảm 13,4%, giá cao su giảm 16,5%, giá giấy các loại giảm 2,7%, giá bông giảm 17,4%, giá sợi giảm 2%, giá sắt thép giảm 7,9%...). Giá nhập khẩu giảm đã tạo điều kiện để lượng nhập khẩu tăng khá để vừa tranh thủ khi giá nhập khẩu giảm, vừa đón cơ hội phục hồi. Cụ thể, lượng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tăng 107,4%, lượng cao su tăng 20,1%, lượng bông tăng 6,8%, lượng sắt thép tăng 25,5%, lượng kim loại thường khác tăng 4,6%... Lãi suất vay vốn tiếp tục giảm; một số khoản nộp ngân sách được hoãn, giảm…
Có yếu tố thuộc về cơ cấu các ngành trong toàn ngành công nghiệp có tốc độ tăng khác nhau: Ngành khai khoáng trong các thời kỳ trước thường giảm, nếu có tăng cũng rất thấp, thì 2 tháng nay đã tăng trở lại. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện - động lực của tăng trưởng công nghiệp đã tăng cao nhất. Tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp cũng ghi nhận mức tăng khá cao…
Có yếu tố ở đầu ra: Công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tiêu thụ tăng 18,7%; Chỉ số tồn kho tiếp tục chậm lại (11,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá bình quân 2 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng khá thấp (0,64%), nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao trở lại ở mức 10,7%, cao nhất so với con số tương ứng của nhiều tháng trong 4 năm qua.
Không chỉ có dấu hiệu phục hồi dần của tổng cầu, của tiêu thụ trong nước, mà còn thể hiện ở xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước. Xét theo nhóm ngành, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8,6%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,7 tỷ USD, giảm 1,5%, suy ra xuất khẩu hàng công nghiệp tăng 10,7%.
Kết quả của sản xuất công nghiệp trong 2 tháng khởi đầu tuy đạt khá, nhưng đó mới chỉ là tín hiệu. Ngoài việc khắc phục những hạn chế bất cập còn tồn đọng, như hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, còn phải khắc phục những thách thức tới đây trong điều kiện mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng, với trình độ cao hơn. Ngoài 8 hiệp định thương mại tự do song phương (FTA truyền thống) là FTA thế hệ mới Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam với Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) các Hiệp định TPP, EFTA, RCEP đang được các bên kỳ vọng đạt được kết quả trong năm 2015, đặc biệt là việc ra đời Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay. Nếu không nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì hàng hóa Việt Nam sẽ “khó thắng trên sân người” và “dễ thua trên sân nhà”. Đây là cảnh báo cần thiết.
Sản xuất điện thoại di động tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quỳnh Anh
|