Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia cầm nhập lậu cơ bản được khống chế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện các lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế được gia cầm không rõ nguồn gốc, đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 tháng triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép, được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ, ngày 31/1.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau 2 tháng triển khai Đề án, lực lượng chức năng 19 tỉnh, TP đã kiểm tra, kiểm soát, thu giữ 60.388kg gà thịt, 220.152 con gà giống Trung Quốc, 387.240 quả trứng gia cầm, 1.020 con chim bồ câu Trung Quốc, 60kg chim cút đông lạnh, 552kg thịt vịt mổ sẵn… Tại các tỉnh biên giới, lượng gia cầm nhập lậu đã giảm trên 90%.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Ngành Công Thương Hà Nội đã khám phá, xử lý nhiều điểm buôn bán gia cầm nhập lậu, góp phần ngăn chặn cơ bản tình trạng buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Đến nay, việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch đã cơ bản được ngăn chặn.

Gia cầm nhập lậu cơ bản được khống chế - Ảnh 1
 
Quản lý thị trường- Hà Nội kiểm tra gà giết mổ tại một chợ “cóc” trên địa bàn quận Tây Hồ. Ảnh: Hoài Nam
 

Mặc dù thu được những kết quả nhất định trong việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu, nhưng đại diện các bộ, ngành và địa phương cho rằng: Càng gần Tết, tình hình nhập lậu gà sẽ phức tạp hơn, với nhiều hình thức tinh vi như: Hình thành các đường dây có tổ chức; vận chuyển bằng nhiều phương tiện trên các tuyến đường, thậm chí cả đường biển… sẽ gây khó khăn cho việc kiểm tra, bắt giữ. Nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu này, các ý kiến kiến nghị tập trung vào việc, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tội phạm nói chung; các cơ quan chức năng bố trí lực lượng đủ mạnh, chú trọng các biện pháp chuyên sâu để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý; Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi; tiếp tục nâng cao kiến thức quản lý ATTP cho lực lượng quản lý thị trường. Bên cạnh đó, cần có chính sách tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu hủy gà nhập lậu; các thủ tục, chế tài để xử lý; khuyến khích phát triển chăn nuôi trong nước…

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, trong thời gian tới, song song với việc ngăn chặn nhập khẩu gia cầm trái phép cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi; các cấp, ngành, địa phương phải tập trung làm tốt việc yêu cầu các hộ buôn bán gà ký cam kết không kinh doanh gia cầm nhập lậu xong trước 8/2. Các tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển, tiêu thụ gia cầm trên địa bàn. Phó Thủ tướng yêu cầu, Hà Nội sớm triển khai quy hoạch chợ đầu mối gia cầm tại Thanh Trì, từ đó ngăn chặn tốt hơn việc kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc tại khu vực này.

Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh, TP phía Bắc đã tổ chức ký kết biên bản thỏa thuận phối hợp quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm.