Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cho thuê ôtô dịp lễ tăng lên từng ngày

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến ngày 8/4, nhiều chủ cho thuê ôtô du lịch tại Hà Nội đều cho hay các loại xe 7-29 chỗ phục vụ cho ngày 10/3 âm lịch đều đã cạn. Những nơi còn xe cho thuê, giá đắt hơn bình thường tới vài trăm nghìn đồng một ngày.

KTĐT - Đến ngày 8/4, nhiều chủ cho thuê ôtô du lịch tại Hà Nội đều cho hay các loại xe 7-29 chỗ phục vụ cho ngày 10/3 âm lịch đều đã cạn. Những nơi còn xe cho thuê, giá đắt hơn bình thường tới vài trăm nghìn đồng một ngày.

Gọi điện đến hàng loạt địa chỉ cho thuê ôtô cá nhân (thường chỉ có từ một đến 2 xe), chị Hằng (Đê La Thành) đều nhận được lời từ chối. Tất cả xe đều đã được đặt thuê trước đó cả tuần.

Cả những chủ lớn có nhiều ôtô cho thuê cũng thông báo “cháy” xe phục vụ vào dịp lễ. Một nhân viên của Công ty cổ phần tập đoàn Thành Hưng (Long Biên, Hà Nội) thông tin, xe loại 16 và 29 chỗ đi vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương đều đã được khách đặt trước khá lâu. Anh này cho biết, được nghỉ 3 ngày liên tiếp, hầu hết những người có ý định đi du lịch đã lên kế hoạch từ sớm và đặt xe trước đó nửa tháng.

Nắm bắt được tâm lý đó, những địa chỉ còn xe cho thuê cũng “thổi” giá lên khá cao. Cụ thể, giá thuê xe 16 chỗ có lái đi một ngày cho quãng đường 200 km (cả lượt đi và về) là 1,8 triệu; 400 km là 3,5 triệu... Cũng đoạn đường đó áp dụng với xe 24-29 chỗ, chi phí tính thêm là 700.000-900.000 đồng mỗi xe.

Nếu xe đi qua đêm với quãng đường trên 800 km thì không tính thêm phí đợi. Từ 200-400 km, phí chờ qua đêm là 500.000 đồng mỗi đêm; từ 400-dưới 800 km, phí chờ qua đêm là 300.000 mỗi đêm.

Với những xe tự lái, giá thuê một ngày là 1,2-3 triệu đồng tương ứng với xe 7-24 chỗ. Nếu thuê xe nhiều ngày thì chi phí trội thêm cho mỗi ngày là một triệu đồng. Tuy mức chi phí rẻ hơn đôi chút so với xe có lái nhưng người thuê phải tự chịu chi phí xăng xe.

Anh Lộc, chủ cơ sở cho thuê xe Lộc Bích (Trần Khát Chân, Hà Nội) hướng dẫn, để thuê xe tự lái, người thuê cần làm hợp đồng rõ ràng về việc đi trong thời gian nào và đặt cọc xe máy cùng chứng minh thư, sổ hộ khẩu.

“Khi nhận xe nhớ phải kiểm tra kỹ từng phụ tùng cũng như chi tiết bên ngoài xe để đảm bảo an toàn cho chuyến đi và làm hợp đồng rõ với chủ thuê về tình trạng xe khi nhận, tránh trường hợp tranh chấp khi giao trả xe. Nhiều khi chỉ một vết xước sơn, vết lõm phát sinh khi trả xe, người thuê cũng phải bồi thường vài triệu đồng”, anh Lộc tư vấn.

Theo thông tin từ các chủ cho thuê xe, mức giá thuê cận nghỉ lễ cao hơn so với ngày thường ít nhất là 200.000 đồng mỗi xe. Khi có khách hỏi thuê xe vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương, trước khi thông báo tình trạng còn xe hay hết và giá cả, chị Thu, nhân viên của Công ty du lịch Hà Nội (Lý Thường Kiệt) nói trước là nếu đi vào ngày lễ thì giá sẽ khá cao.

Còn chị Thủy, chủ cơ sở Hưng Thủy, trên phố Trần Khát Chân chia sẻ, đi du lịch vào ngày lễ vừa khó kiếm xe, vừa chịu giá cao hơn bình thường 200.000-300.000 đồng một ngày.

So với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, giá thuê xe có lái dịp này cũng đắt hơn khoảng 20%. Anh Bùi Bá Long, một chủ cho thuê xe tư nhân cho hay như năm ngoái, xe 16 chỗ đi một ngày, đoạn đường 100 km chỉ mất gần 1,5 triệu thì nay đã tăng tới 1,8 triệu. Với các loại xe khác cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Giải thích về điều này, chị Hồng, phụ trách phòng điều hành của công ty Hoa Mai (Cầu Giấy) nói, từ năm ngoái đến năm nay, giá xăng đã tăng 30% nên thuê xe cũng đắt lên hơn 20% là điều đương nhiên.

Ngoài lý do giá xăng dầu tăng cao, anh Long cho biết, thuê xe vào những dịp lễ, nơi nào cũng cạn xe khiến giá bị đẩy lên cao hơn bình thường. “Tốt nhất, nên sắp lịch sớm, liên hệ và đặt xe trước khi đi tầm một tháng, chứ để sát ngày mới huy động xe thì chi phí đội lên vài trăm nghìn là chuyện bình thường”, anh Long nói.