Trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent lần đầu tiên chạm ngưỡng 75 USD/thùng trong năm nay do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt hơn khi Nga tạm đình chỉ việc xuất khẩu dầu thô sang châu Âu trong khi Mỹ chuẩn bị thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Iran.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng tới 67 xu Mỹ, lên mức 75,24 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này có thời điểm trong phiên đã nhảy vọt tới ngưỡng 75,60 USD/thùng, chạm mức cao nhất kể từ ngày 31/10.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 25 xu Mỹ, lên 66,14 USD/thùng.
Các nhà giao dịch năng lượng cho rằng giá dầu Brent nhận được sự hỗ trợ quan trọng trong phiên này từ quyết định của Nga tạm dừng xuất khầu dầu mỏ sang Ba Lan và Đức qua một đường ống dẫn dầu do lo ngại về chất lượng.
Ba Lan và Đức đã đình chỉ nhập khẩu dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba, với lý do chất lượng kém. Các nguồn tin giao dịch cho biết Cộng hòa Séc cũng đã tạm dừng mua dầu từ Nga.
Các đường ống này có thể vận chuyển tới 1 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 1% nhu cầu dầu thô toàn cầu. Riêng trong ngày 25/4, đã có khoảng 700.000 thùng dầu từ Nga xuất khẩu sang châu Âu tạm thời bị gián đoạn, theo tính toán của Reuters.
Bên cạnh đó, những nỗ lực của Mỹ nhằm sớm đẩy xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0 cũng đẩy giá dầu đi lên.
Hôm 22/4, Mỹ đã yêu cầu các các đối tác ngừng mọi hoạt động trao đổi với Iran trước tháng 5 nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, qua đó chấm dứt 6 tháng miễn trừ trừng phạt vốn cho phép 8 đối tác nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, chủ yếu là các quốc gia châu Á, nhập một lượng dầu hạn chế từ quốc gia này.
Ngày 23/4, giá dầu tăng lên mức cao nhất từ tháng 11/2018 sau khi Washington tuyên bố mọi hình thức miễn trừ trừng phạt với hoạt động nhập khẩu dầu Iran sẽ kết thúc vào tuần tới, buộc các nhà nhập khẩu dừng mua dầu từ Tehran và tiếp tục khiến nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.
Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Hy Lạp. Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 tới.
Động thái siết biện pháp trừng phạt lên ngành dầu mỏ Iran được Mỹ đưa ra trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đang được siết chặt nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung dầu từ đầu năm nay của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh.
Tuy nhiên, ông Brian Hook - Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran kiêm Cố vấn chính sách cao cấp cho Bộ trưởng ngoại giao Mỹ hôm 25/4 cho biết hiện nguồn cung trên thị trường vẫn dồi dào nên giá dầu vẫn có thể giữ ổn định trong thời gian tới.
Tổ chức Tư vấn Rystad Energy cũng nhận định Ả Rập Saudi và các đồng minh chính của họ có thể thay thế nguồn dầu thiếu hụt của Iran.
Capital Economics dự báo giá dầu sẽ hạ trong năm nay do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm đè nặng lên nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Ngoài ra, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh và tâm lý dè chừng đối với các kênh đầu tư rủi ro gia tăng cũng khiến giá dầu chịu áp lực đi xuống. Sản lượng dầu của Mỹ vẫn không ngừng gia tăng trong thời gian qua, tăng hơn 2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2018, lên mức cao kỷ lục 12,2 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ vượt Nga và Ả Rập Saudi để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tính đến tuần trước đã tăng vọt lên 460,63 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2017, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.