Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu ghi nhận tuần lao dốc mạnh nhất trong 2 tháng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối lo ngại về đà leo dốc sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã khiến giá dầu thế giới suy yếu trong tuần qua bất chấp Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng một số nước sản xuất dầu khác vừa nhất trí gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018. Tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ WTI mất 1%, giá dầu Brent giảm 0,4%.

Ngay từ đầu tuần này, giá dầu đã rời khỏi mức cao nhất trong 2 năm qua  sau khi Canada khôi phục hoạt động tuyến đường ống dẫn dầu Keystone khiến nguồn cung gia tăng trở lại.
Trong 2 phiên tiếp theo (ngày 28 và 29/11), giá “vàng đen” tiếp tục suy yếu do những bất ổn xung quanh quyết định của Nga liên quan đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC.
 Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ WTI mất 1%, giá dầu Brent giảm 0,4% trong tuần.
Bên cạnh đó, việc đồng USD mạnh lên khiến dầu mỏ, vốn được giao dịch bằng đồng tiền xanh, trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác. 
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch ngày 30/11, thị trường dầu đã khởi sắc sau  khi OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, quyết định duy trì việc cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày đến hết năm 2018.
Để làm dịu một số lo ngại về mâu thuẫn với Ả Rập Saudi, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết  Moscow hoàn toàn đồng tình về vấn đề gia hạn thỏa thuận cắt giảm.
Tyler Richey, đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định: “Tuy nhiên, các hợp đồng tương lai gần như đi ngang sau khi cuộc họp của các nhà sản xuất kết thúc. Cụ thể, giá dầu WTI lẫn giá dầu Brent đều chỉ tăng 10 xu Mỹ trong ngày 30/11”.
Ông Richey cũng nhận định: “Đà leo dốc liên tục của sản lượng dầu tại Mỹ vẫn là một rào cản đến thị trường dầu mỏ khi gây áp lực đến tâm lý thị trường và kìm hãm đà tăng của giá dầu”.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh, trong đó giá dầu WTI vọt lên mức cao nhất  trong 1 tuần, sau khi các các thành viên trong và ngoài OPEC quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018 như kỳ vọng.
Kết thúc phiên ngày 1/12, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex tăng 96 xu Mỹ, tương đương 1,7%, lên 58,36 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất trong vòng 1 tuần. Dẫu vậy, hợp đồng này vẫn mất 1% trong tuần qua, ghi nhận tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2017, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn cộng 1,10 USD, tương đương 1,8%, lên 63,73 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 0,4%.
Những lo ngại về đà leo dốc sản lượng của các nhà sản xuất không tham gia vào thỏa thuận, như Mỹ, đã khiến giá dầu WTI suy yếu trong tuần qua.
Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 1/12 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 2 giàn lên 749 giàn, qua đó ghi nhận 2 tuần tăng liên tiếp.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu trong nước đạt kỷ lục mới là 9,68 triệu thùng/ngày vào tuần trước. Hãng tư vấn Rystad Energy dự đoán sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt 9,9 triệu thùng/ngày trong tháng 12 tới, gần bằng mức của các nước sản xuất hàng đầu là Nga và Saudi Ả Rập Saudi.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ là một trong những nguyên nhân chính khiến dầu rớt giá mạnh từ ngưỡng trên 100 USD/thùng hồi năm 2014. Tuy nhiên, kể từ sau khi giá dầu rớt xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016, ngành dầu mỏ thế giới đã dần phục hồi, trong bối cảnh giá dầu ổn định trở lại.