Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu ghi nhận tuần tăng mạnh nhất từ cuối tháng 7

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường dầu thế giới chứng kiến tuần tăng giá khởi sắc nhất kể từ cuối tháng 7 nhờ lực cầu mạnh và tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng tái cân bằng cung-cầu trên thị trường.

Giá dầu WTI tăng 5,1% trong cả tuần và giá dầu Brent kết thúc tuần tăng 3,4%. Cả 2 loại dầu này có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tuần kết thúc 28/7 trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu ở Mỹ phục hồi hoạt động sau bão Harvey.
Giá dầu đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần (11/9) khi các nhà các nhà máy lọc dầu ở Mỹ hoạt động trở lại sau cơn bão Harvey và Ả Rập Saudi tổ chức các cuộc đàm phán về khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Nhiều nhà máy lọc dầu ở Mỹ khởi động trở lại sau cơn bão Harvey đã khiến tăng nhu cầu đối với nguồn dầu thô Mỹ.
 Giá dầu ghi nhận tuần tăng mạnh nhất từ cuối tháng 7.
Thị trường cũng được hỗ trợ bởi thông tin Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih thảo luận với người đồng cấp Kazakhstan và Venezuela về khả năng tiếp tục gia hạn thêm 3 tháng nữa đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Nhóm Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sau thời điểm tháng 3/2018. 

Trong phiên giao dịch ngày 12/9, giá dầu tiếp tục tăng sau khi OPEC cho biết sản lượng dầu của tổ chức này đã giảm trong tháng 8. Theo báo cáo của OPEC, sản lượng khai thác dầu của 14 quốc gia thành viên trong tháng 8 đạt 32,755 triệu thùng/ngày, giảm 79.000 thùng/ngày so với mức 32,834 triệu thùng/ngày vào tháng 7. Số liệu này cho thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC đang giúp hạn chế việc dư thừa nguồn cung dầu thế giới.
Sang ngày 13/9, giá dầu duy trì đà tăng từ đầu tuần trong bối cảnh OPEC đưa ra nhận định nhu cầu dầu thô tăng trong năm 2018. Điều này chứng tỏ những dấu hiệu thị trường dầu toàn cầu đang được thắt chặt hơn và nỗ lực thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên trong và ngoài OPEC đang giải quyết hiệu quả tình trạng dư cung.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này trong tuần trước tăng nhiều hơn mức dự báo do bão Harvey.
Trong phiên giao dịch ngày 14/9, giá “vàng đen” được hỗ trợ tiếp tục đà tăng từ nhận định của IEA về việc tình trạng dư cung toàn cầu đang bắt đầu co lại.
Ngoài ra, IEA cũng nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sau khi tình trạng thiếu hụt dầu gia tăng mạnh trong quý II/2017 so với cùng kỳ năm ngoái. IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày lên bình quân 97,7 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhờ mức tiêu thụ cao ở Mỹ và châu Âu. 

Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 kết phiên ngày 15/9 đi ngang ở mức 49,89 USD/thùng. Giá dầu này đạt mức đỉnh trong phiên là 50,50 USD hôm thứ Năm, lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 USD/thùng kể từ tháng 5/2017. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11 tăng 15 cent, tương đương 0,3%, lên 55,62 USD/thùng.
Sự chênh lệch giá giữa hai loại dầu được thu hẹp trong tuần này. Giá hai loại dầu trên đã giãn ra trong những tháng gần đây và đang hướng tới “mức cân bằng mới” là trong khoảng 4-5 USD/thùng, theo các chuyên gia phân tích tại JBC Energy.
Robbie Fraser, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric nhận định rằng sau bão Harvey, thị trường lại chú ý tới các diễn biến làm giá tăng trong dài hạn từ OPEC và thị trường Mỹ.
Các báo cáo của OPEC cho thấy mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của các nước trong khối tăng trở lại trong tháng 8. Ngoài ra, nhiều khả năng thỏa thuận này được gia hạn thêm cũng hỗ trợ giá tăng trong tuần qua.
Tại thị trường Mỹ, số lượng các giàn khoan giảm đều gần đây khiến đà tăng sản lượng dầu thô của nước này sẽ chững lại. Số liệu của Baker Hughes cho thấy số giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ giảm tuần thứ hai liên tục xuống còn 749 giàn.
Wood Mackenzie cho rằng nếu xảy ra xung đột quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, các tuyến vốn vận chuyển 1/3 lượng dầu thô trên biển có thể bị gián đoạn, trong khi một nửa công suất lọc dầu ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng.