Giá dầu giảm tuần thứ 4 do triển vọng nguồn cung tăng

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hợp đồng dầu thô tương lai ghi nhận tuần sụt giảm thứ 4 trong 5 tuần qua khi dữ liệu tiếp tục cho thấy sản lượng toàn cầu gia tăng.

Trong tuần qua, giá dầu đã chịu nhiều áp lực khi sản lượng dầu từ các nước thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dẫn đầu bởi Ả Rập Saudi và Nga tăng. 
Trong phiên ngày 30/7, giá “vàng đen” leo dốc khi có những dấu hiệu cho thấy tình trạng nguồn cung dầu từ các nước sản xuất dầu ở Trung Đông và Canada đều đang thu hẹp.
Tuy nhiên, dầu đã sụt giảm trong hai phiên liên tiếp trong ngày 31/7 và 1/8 do kết quả một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy tổng sản lượng dầu trong tháng 7/2018 của OPEC đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay là 32,64 triệu thùng/ngày.
Trong tuần qua, giá dầu đã chịu nhiều áp lực khi sản lượng dầu từ các nước thành viên thuộc OPEC tăng. 
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết sản lượng dầu mỏ của Nga năm nay sẽ đạt 11,02 triệu thùng dầu/ngày, mức cao mới trong vòng 30 năm.
Bên cạnh đó, theo báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 3,8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 27/7, trái ngược với dự báo của thị trường là giảm 2,8 triệu thùng, càng tạo thêm áp lực mất giá cho thị trường năng lượng.

Sang phiên 2/8, giá dầu đã phục hồi sau khi nhà cung cấp thông tin công nghiệp Genscape thông báo rằng các kho dự trữ dầu thô tại Cushing, trung tâm giao dịch dầu thô lớn nhất ở Mỹ, giảm 1,1 triệu thùng dầu thô kể ngày 27/7.
Song, các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm nhẹ trong phiên 3/8, ghi nhận tuần sụt giảm thứ 4 trong 5 tuần qua khi dữ liệu tiếp tục cho thấy sản lượng toàn cầu gia tăng.
Kết thúc phiên giao dịch này, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex lùi 47 xu Mỹ (tương đương 0,7%) xuống 68,49 USD/thùng và giảm 0,3% trong tuần qua.  Trong phiên 1/8, hợp đồng này đóng cửa tại mức 67,66 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 21/6/2018.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn London hạ 24 xu Mỹ (tương đương 0,3%) còn 73,21 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong tuần lên 2,1%, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hiện cả hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều đã giảm 4 tuần trong 5 tuần qua.
Giá dầu WTI đã rơi xuống đáy 6 tuần vì sản lượng dầu thô toàn cầu nhảy vọt và đà tăng bất ngờ của nguồn cung dầu tại Mỹ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 1/8 cho biết dự trữ dầu thô nội địa vọt 3,8 triệu thùng, lên 408,74 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 27/7/2018.
Ngoài đà tăng bất ngờ của dự trữ dầu thô, giá dầu cũng chịu áp lực từ sự gia tăng sản lượng của các thành viên OPEC - dẫn dầu là Ả Rập Saudi – và các đồng minh như Nga.
Các chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn JBC Energy cho biết sản lượng dầu thô tại Nga tăng mạnh thêm 150.000 thùng/ngày trong tháng 7, còn sản lượng của OPEC cộng 300.000 thùng/ngày trong tháng trước.
Đà giảm trong phiên 3/8 đã khép lại tuần giao dịch ảm đạm của thị trường dầu. 
OPEC cùng với các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, quyết định nâng sản lượng vào cuối tháng 6/2018 sau hơn 1 năm kìm hãm sản lượng.
Động thái này đã giúp kìm hãm đà leo dốc nhanh chóng của giá dầu. Giá dầu Brent vào tháng 5 đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong thời gian ngắn, chủ yếu nhờ vào rủi ro địa chính trị đến nguồn cung dầu của Iran.
Ngày 3/8, một cuộc thăm dò của Platts cho biết sản lượng của OPEC trong tháng 7 tăng 340.000 thùng/ngày lên 32,66 triệu thùng/ngày, bao gồm cả thành viên mới Congo. Sản lượng của Ả Rập Saudi đã đạt 10,63 triệu thùng/ngày, gần mức cao kỷ lục 10,66 triệu thùng/ngày, theo báo cáo của cuộc thăm dò.
Thị trường dầu đã không thể khởi sắc mặc dù dữ liệu từ Baker Hughes ngày 3/8 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 2 giàn xuống 859 giàn trong tuần trước.
Ngoài ra, Robbie Fraser, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, cho hay: “Việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran tiếp tục là một yếu tố rủi ro quan trọng đối với thị trường toàn cầu, với những câu hỏi gần đây tập trung vào việc liệu Trung Quốc có sẵn lòng tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran hay không”.
Washington có thể không thể thực hiện được mục đích ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran do Trung Quốc- nước tiêu thụ dầu lớn nhất của Iran- mới đây đã từ chối đề xuất không nhập khẩu dầu từ Iran của Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần