Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất gần 1 tháng do đồng USD tăng mạnh

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/2, giá dầu tiếp tục đi xuống với dầu Brent Biến Bắc giảm mạnh nhất trong gần 1 tháng trong bối cảnh thị trường chịu tác động tiêu cực từ đồng USD phục hồi trở lại.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/2, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 47 xu Mỹ, xuống còn 64,98 USD/thùng sau khi sụt 0,5% trong phiên cuối tuần trước. Giá của loại dầu này cũng mất 1% trong tuần trước.
Giá dầu giảm gần mức thấp nhất  1 tháng do đồng USD mạnh.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc sụt 57 xu Mỹ, tương đương 0,8%, giao dịch ở mức 68,01 USD/thùng sau khi mất 1,5% trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Giá dầu Brent cũng ghi nhận mức giảm 2,75% trong tuần trước.
Các thị trường khác đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong phiên đầu tuần do nhà đầu tư lo ngại do báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy tăng trưởng tiền lương đạt mức cao nhất trong hơn 8 ăm qua, khiến lạm phát cũng được dự đoán sẽ gia tăng.
Số liệu này đã khiến đồng USD mạnh lên, qua đó tạo áp lực lên giá dầu vốn là hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh. Chỉ số USD, cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt còn lại, tăng 0,61% lên 89,222 điểm sau khi tăng 0,6% trong phiên cuối tuần  trước.
Số lượng nhà đầu tư bắt đáy không nhiều trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang rơi vào tình trạng bán tháo, khởi đầu là thị trường chứng khoán Mỹ và sau đó lan rộng ra các khu vực khác.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,5% trong ngày thứ Hai (5/2), qua đó chuẩn bị ghi nhận chuỗi 2 ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016, khi cổ phiếu trên thị trường Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan đều lao dốc. Các hợp đồng tương lai cũng báo hiệu một ngày giao dịch không mấy khả quan đối với thị trường chứng khoán châu Âu.
“Đà tăng gần đây của lợi suất trái phiếu cuối cùng đã phá vỡ trạng thái yên bình của thị trường cổ phiếu, qua đó đánh dấu một sự thay đổi rõ ràng trong tình hình hiện tại”, Patrik Schowitz, chiến lược gia tại JP Morgan Asset Management, cho biết. “Nhà đầu tư đã trở nên tự mãn khi mức độ biến động thấp”.
Bên cạnh đó, sự gia tăng sản lượng dầu mỏ của Mỹ cũng đẩy giá dầu đi xuống, ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực hỗ trợ giá "vàng đen" của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga.
Số liệu từ Chính phủ Mỹ trong tuần trước cho thấy sản lượng tăng trên 10 triệu thùng/ngày trong tháng 11, lần đầu tiên kể từ năm 1970, do các nhà khoan dầu đá phiến tăng cường hoạt động sau khi giá tăng trong năm ngoái.
Ricardo Spooner, nhà phân tích thị trường của CMC Markets ở Sydney ở Australia nhận định: "Trong một vài tuần tới, thị trường chủ yếu tập trung vào hoạt động khai thác năng lượng tại Mỹ và liệu nước này có tiếp tục tăng thêm số lượng các dàn khoan dầu đá phiến hay không".
Theo Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty khai thác dầu tại Mỹ đã bổ sung giàn khoan tuần thứ 2 liên tiếp trong tuần trước. Các nhà máy khoan dầu nước này đã bổ sung thêm 6 giàn khoan dầu trong tuần tính đến ngày 2/2, nâng tổng số dàn khoan lên mức 765.