Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu phục hồi mạnh sau khi Iraq đánh chiếm mỏ dầu của người Kurd

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thế giới trong phiên sáng ngày 17/10 tiếp tục đà tăng từ phiên trước đó do nỗi lo nguồn cung bị gián đoạn tại Iraq - quốc gia khai thác dầu lớn thứ 2 của Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sau khi Iraq điều quân đội tới thành phố Kirkuk.

Quan hệ căng thẳng Mỹ-Iran và vấn đề người Kurd ở Iraq hiện đang trở thành nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới tăng cao trong 2 phiên giao dịch đầu tuần.
Trong phiên giao dịch ngày 17/10, giá dầu tăng mạnh do giới đầu tư lo ngại nguồn cung dầu bị gián đoạn tại Iraq sau khi chính quyền Baghdad triển khai quân đội đánh chiếm một số mỏ dầu trong khu vực người Kurd.
Giá "vàng đen" duy trì đà tăng do nỗi lo nguồn cung bị gián đoạn tại Iraq - nước khai thác dầu lớn thứ 2 của OPEC, sau khi Iraq điều quân đội tới thành phố Kirkuk. Động thái này khiến căng thẳng giữa chính quyền Baghdad và người Kurd leo thang. Sản lượng dầu mỏ của Kirkuk chiếm 200.000 thùng/ngày trong tổng số 600.000 thùng/ngày của khu tự trị người Kurd.
Khu vực người Kurd đã đóng cửa một thời gian ngắn từ các mỏ chính Bai Hassan và Avana khoảng 350.000 thùng dầu thô mỗi ngày do lo ngại vấn đề an ninh. Iraq đã triển khai hành động này vào ngày 15/10 do khủng hoảng giữa Baghdad và Chính quyền Khu vực tự trị Kurdish (KRG). KRG đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý độc lập vào ngày 25/9.
 Giá dầu tiếp tục đà tăng mạnh trong ngày 17/10. Ảnh: Reuters
Cụ thể, giá dầu thô Brent Biến Bắc tăng 25 xu Mỹ, lên 58,07 USD/thùng trong khi dầu thô ngọt nhẹ WTI cộng thêm 25 xu Mỹ, giao dịch ở mức 52,12 USD/thùng.
Ước tính, sản lượng khai thác dầu của Iraq khoảng 4,47 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 14% tổng sản lượng của OPEC. Ngoài ra, dù Iraq chủ yếu khai thác và xuất dầu thông qua cảng Basra ở vịnh Ba Tư thuộc phía nam, nhưng giới chuyên gia khẳng định xung đột bùng phát ở phía bắc nước này vẫn ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường thế giới.
Ở phía bắc, khu vực người Kurd kiểm soát cũng có sản lượng khai thác khoảng 600.000 thùng/ngày và ước tính nếu tình hình chiến sự lan rộng thì sản lượng có thể giảm 450.000 thùng mỗi ngày. Điều này cũng tác động  mạnh đến giá dầu.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng khả năng Mỹ có thể tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đã được dỡ bỏ với Tehran sẽ đẩy giá dầu đi lên. Sự thay đổi trong chính sách của Washington đối với Iran có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 13/10.
Được biết, Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC với sản lượng khoảng 2,3 triệu thùng/ngày.
Mặc dù các chính sách và trừng phạt mạnh mẽ hơn của chính quyền Trump sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, một số chuyên gia tin rằng lệnh trừng phạt có thể có hậu quả về lâu dài.
Trong lần trừng phạt trước chống lại Iran, khoảng 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày không được đưa ra thị trường thế giới.
Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết: "Thị trường dầu thô và vấn đề địa chính trị thế giới có mối liên hệ chặt chẽ. An ninh dầu mỏ vẫn giữ vai trò quan trọng đối với tất cả các nước".
Birol cho rằng mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 1,8 triệu thùng/ngày của OPEC từ đầu năm nay đến  tháng 3/2018 đạt khoảng 86%.
Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) đã nâng dự báo giá dầu trong thời gian tới.
"Chúng tôi dự tính giá dầu Brent sẽ lên 54 USD/thùng trong quý IV/2017 và đạt mức 52,50 USD/thùng vào quý I/2018, cao hơn mức dự báo trước đó là 50 USD và 49,50 USD mỗi thùng. Chúng tôi cũng điều chỉnh giá dầu ngọt nhẹ WTI ở mức trung bình 49 USD/thùng trong quý này, tăng so với mức dự báo chỉ ở mức 47 USD/ thùng".