Tuy nhiên, thị trường "vàng đen" toàn cầu trong 6 tháng đầu năm nay diễn biến tồi tệ nhất kế từ năm 1997 bất chấp những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 11 xu Mỹ, tương đương 0,2% so với đóng cửa phiên trước, lên 45,33 USD/thùng. Trong khi đó giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 9 xu Mỹ, khoảng 0,2% lên 42,83 USD/thùng.
Giá dầu giảm khoảng 20% trong năm nay mặc dù các thành viên trong và ngoài OPEC đã thực hiện cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày từ ngày 1/1/2017.
Thị trường dầu toàn cầu đang chịu áp lực giảm giá từ đầu tuần này, phản ánh sự mất niềm tin đang gia tăng giữa các nhà giao dịch về khả năng cân bằng nguồn cung và cầu trên thị trường dầu của OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác trong 3 năm qua.
Giá của 2 loại dầu chủ chốt cũng giảm 15% kể từ ngày 25/5, thời điểm các thành viên trong và ngoài OPEC nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu đến hết tháng 3/2018.
Theo JP Morgan, nguyên nhân dẫn đến dư thừa nguồn cung trên thị trường dầu thế giới là do Mỹ liên tục tăng sản lượng khai thác làm suy yếu nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác từ các nước OPEC và Nga.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu mỏ của nước này tăng hơn 10% so với năm ngoái lên 9,35 triệu thùng/ngày, gần với những mức của nhà xuất khẩu hàng đầu Ả Rập Saudi .
Trong khi đó, sản lượng dầu ở Nigeria và Libya , hai nước được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, cũng đang tăng lên. Lượng dầu xuất khẩu của Nigeria dự kiến sẽ vượt mức 2 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất trong 17 tháng qua.