Thị trường dầu thế giới chứng kiến một tuần giao dịch khởi sắc với giá dầu Brent xác lập mức cao nhất trong 4 năm, trước mối lo ngại về các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ Iran.
Trong phiên giao dịch ngày 1/10, giá dầu lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran tiến gần tới thời điểm thực thi và đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tiến triển tích cực.
Sang ngày 2/10, giá dầu chốt phiên gần mức đỉnh trong 4 năm do lo ngại về nguồn cung toàn cầu sẽ giảm do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Dự kiến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ Iran sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11.
Theo khảo sát về sản lượng dầu của hãng tin Reuters, sản lượng dầu của Iran trong tháng 9 đã giảm khoảng 100.000 thùng/ngày, trong khi tổng sản lượng từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng khoảng 90.000 thùng/ngày từ tháng 8.
Đến phiên ngày 3/10, nỗi lo nguồn cung toàn cầu sẽ bị thắt chặt hơn tiếp tục hỗ trợ thị trường dầu mỏ, với giá dầu Brent vọt lên 86,74 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Tuy nhiên, giá dầu quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 4/10 do các nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động bán ra chốt lời.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI gần như đi ngang trong ngày 5/10, còn giá dầu Brent lại suy yếu, khi thị trường tiếp tục nghi ngờ khả năng các nhà sản xuất chủ chốt bù đắp sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu tại Iran vì các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/10, giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng nhẹ 1 xu Mỹ lên 74,34 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 42 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 84,16 USD/thùng. Tuy nhiên, giá của 2 mặt hàng dầu WTI và dầu Brent đều chứng kiến 4 tuần leo dốc liên tiếp, đồng thời ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong gần 4 năm trong phiên 3/10.
Giá dầu đã nhảy vọt trong vài tháng qua nhờ vào sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu dầu thô từ Iran trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với nền công nghiệp dầu mỏ của Tehran, dự kiến có hiệu lực từ ngày 4/11 tới. Giá dầu đã tăng từ 15 - 20% kể từ giữa tháng 8, đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Song, đà tăng giá của dầu mỏ trong tuần này bị hạn chế phần nào sau khi hãng Reuter đưa tin Nga và Ả Rập Saudi đã đạt được một thỏa thuận riêng cho việc gia tăng sản lượng hồi tháng 9 vừa qua. Hai nhà sản xuất dầu lớn nói rằng họ sẽ tăng sản lượng nhằm bù đắp nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn từ Iran, nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC, do các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực từ ngày 4/11.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Arabia Khalid al-Falih ngày 4/10 cho biết nước này, hiện đang bơm khoảng 10,7 triệu thùng/ngày, có thể tăng sản lượng thêm 1,3 triệu thùng/ngày.
Một cuộc thăm dò các nhà phân tích của Platts cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC tăng 180.000 thùng/ngày lên 33,07 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Các số liệu cũng cho thấy OPEC và 10 nước ngoài OPEC, dẫn đầu là Nga, đã vượt mục tiêu tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày từ mức hồi tháng 5/2018.
Herman Wang - nhà báo cấp cao về thông tin dầu mỏ tại S&P Global Platts, cho biết: “Chắc chắn có những rào cản đối với thị trường về dài hạn, bao gồm sản lượng của Iran và Venezuela đang trên đà lao dốc. OPEC cùng với các đồng minh có thể sẽ phải hành động nhiều hơn nữa nhằm ngăn chặn đà leo dốc của giá dầu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lo ngại, song vẫn chưa rõ ràng về số lượng mà OPEC sẵn sàng và có thể bơm thêm cho thị trường”.
Các nhà phân tích hàng hóa tại Goldman Sachs lưu ý rằng: “Có 2 sự không chắc chắn quan trọng mà thị trường dầu mỏ đang chứng kiến: Thứ nhất là khả năng dự trữ để bù đắp sản lượng dầu thiếu hụt tại Iran; thứ 2 là quy mô chưa cụ thể về số lượng thùng dầu sẽ bị giảm do sự thiếu rõ ràng từ chính quyền Mỹ”. Goldman Sachs dự báo thị trường sẽ mất 1,5 triệu thùng/ngày trong quý IV do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Iran.