Bên cạnh đó, số liệu từ Chính phủ Mỹ cũng cho thấy lượng dầu thô dự trữ trong nước tăng ít hơn dự đoán, trong khi lượng dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất đều giảm. Tính chung trong tuần, giá dầu WTI nhảy vọt 2,3%, dầu Brent nhích 1,8%
Giá dầu thế giới tăng trong phiên 17/2, giữa lúc thị trường kỳ vọng việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh tiếp tục cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá "vàng đen".
Tâm lý của các nhà đầu tư đã được khích lệ bởi một loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thực hiện để ứng phó với các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Cụ thể, trong ngày 17/2, PBoC đã hạ lãi suất các khoản cho vay công cụ cho vay trung hạn (MLF) trị giá 200 tỷ NDT (khoảng 28,66 tỷ USD) cho các thể chế tài chính từ 3,25% xuống còn 3,15%.
Sang phiên giao dịch ngày 18/2, giá “vàng đen” ổn định khi thị trường chịu sức ép từ những lo ngại về nhu cầu dầu thô do dịch COVID-19, nhưng cũng nhận được sự hỗ trợ từ sự giảm sút nguồn cung từ Libya.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2020 do dịch COVID-19.
Giá dầu mỏ cộng hơn 2% trong phiên giao dịch 19/2 khi những lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng dư cung đã dịu bớt. Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin vừa cho biết, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các nhà sản xuất dầu khác sẽ triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 3 tới tại Vienna (Áo) như dự kiến ban đầu để đưa ra quyết định về chính sách sản xuất cho những tháng tới.
Theo giới phân tích nhận định thị trường hy vọng các nhà xuất khẩu dầu lớn của thế giới sẽ cắt giảm mạnh nguồn cung để hỗ trợ giá dầu.
Trong phiên 20/2, giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng sau khi số liệu cho thấy dữ trữ dầu thô của Mỹ tăng thấp hơn dự kiến. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 14/2, dự trữ dầu thô thương mại của nước này đã tăng 400.000 thùng so với tuần trước đó. Ở mức 442,9 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ thấp hơn khoảng 2% so với mức trung bình cho thời điểm này của năm năm.
Giá dầu thế giới quay đầu giảm nhẹ trong ngày 21/2, do chịu sức ép bởi sự rạn nứt trong liên minh sản xuất dầu thô giữa Ả Rập Saudi và Nga, giữa lúc những lo ngại về sự lây lan COVID-19 ở Trung Quốc cùng dự báo khả năng tổn hại đến nhu cầu năng lượng.
Tuy nhiên, giá dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận đà tăng trong tuần qua, một phần được hỗ trợ bởi những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kích thích nền kinh tế, qua đó xoa dịu một số lo ngại về sự bùng phát của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/2, giá dầu ngọt nhẹ giảm 0,9%, xuống còn 53,38 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent sụt 1,4%, xuống mức 58,46 USD/thùng.
Tính chung trong tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI vẫn tăng 2,3% và giá dầu Brent leo dốc 1,8%.
Ả Rập Saudi đang cân nhắc việc ngừng liên minh sản xuất với Nga trong bối cảnh bất đồng giữa những nhà sản xuất dầu chủ chốt về ảnh hưởng của sự bùng phát COVID-19 đối với nhu cầu dầu thô toàn cầu, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 21/2.
Theo tờ báo, Ả Rập Saudi, Kuwait và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), vốn chiếm hơn 50% năng suất sản lượng của OPEC, đang tổ chức các cuộc thảo luận về khả năng cùng tham gia cắt giảm sản lượng lên tới 300.000 thùng/ngày.
“Nga tỏ ra ngần ngại đồng ý với đợt cắt giảm dự kiến sấp tới khi họ chờ đợi những tín hiệu về tình hình nhu cầu”, chuyên gia phân tích năng lượng Marshall Steeves tại IHS Markit, nhận định.
Nga không là thành viên thuộc OPEC nhưng đã hợp tác với liên minh này kể từ tháng 12/2016 trong một nỗ lực cân bằng cung cầu dầu mỏ trên thế giới.
OPEC cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, dự kiến tổ chức các cuộc họp vào ngày 5-6/03/2020 ở Vienna để thảo luận về sản xuất và nhu cầu trong bối cảnh những lo ngại xung quanh dịch COVID-19.
“Tình hình ở Trung Quốc chưa thể sớm trở lại bình thường. Và tại một số nước khác, lo ngại về sự lây lanCOVID-19 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đang ngày càng tăng, điều này đang gây áp lực đáng chú ý đối với giá dầu trong phiên giao dịch" - Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích tại Commerzbank, chia sẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21/2 cho biết có 76.767 ca bị xác nhận nhiễm COVID-19, với số trường hợp tử vong là 2.247 người. Trong khi số ca nhiễm mới virus chết người trên toàn thế giới giảm ngày thứ 2 liên tiếp, các chuyên gia phân tích cho biết vẫn còn lo ngại về số người nhiễm bên ngoài Trung Quốc./.