Cụ thể, dầu Brent giao sau tương lai LCOc1 tăng 87 xu Mỹ, lên 74,44 USD/thùng, đạt mức đỉnh kể từ ngày 27/11/2014, thời điểm Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định tăng sản lượng khai thác dầu càng nhiều càng tốt để bảo vệ thị phần, khiến giá dầu lao dốc xuống mức đáy 27 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 69,18 USD/thùng, tăng 71 xu Mỹ. Trong phiên này, giá dầu WTI có thời điểm lên 69,27 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 2/12/2014.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 18/4 cho biết, trong tuần tính đến ngày 13/4, lượng dầu thô dự trữ của cường quốc này giảm 1,1 triệu thùng xuống 427,57 triệu thùng, gần mức trung bình của 5 năm (420 triệu thùng).
Bên cạnh đó, Reuters cho biết Ả Rập Saudi - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - sẽ vui mừng khi dầu thô tăng lên 80 USD hay thậm chí 100 USD/thùng. Đây là một dấu hiệu Riyadh muốn duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng của thành viên trong và ngoài OPEC.
Giá "vàng đen" vọt lên mức đỉnh của hơn 3 năm, khi dự trữ dầu của Mỹ sụt giảm và Ả Rập Saudi phát tín hiệu ủng hộ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
"Giá dầu tăng mạnh nhờ sự sụt giảm của kho dự trữ dầu thô của Mỹ cùng với thông tin mới nhất cho biết Ả Rập Saudi mong muốn chứng kiến giá năng lượng tăng lên mức 80 USD/thùng hoặc thậm chí 100 USD/thùng", RBC cho biết.
OPEC và các nhà sản xuất dầu lớn khác, dẫn đầu là Nga, thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2017 nhằm hạn chế tình trạng dư cung kéo dài từ năm 2014 để kéo giá dầu đi lên.
Theo kế hoạch, OPEC và các đối tác khác sẽ nhóm họp tại TP Jeddah, Ả Rập Saudi vào ngày 20/4 tới và OPEC dự kiến sẽ họp bàn về chính sách sản lượng của khối vào ngày 22/6.
Ngoài ra, giá năng lượng trong phiên này còn nhận được hỗ trợ trước đồn đoán Mỹ sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 của OPEC, có thể dẫn tới giảm nguồn cung từ Trung Đông.