Giá dầu trong phiên giao dịch này tăng nhưng vẫn ở quanh mức "đáy" của 6 tháng vì các nhà đầu tư gia tăng lo ngại về khả năng giảm nguồn cung dư thừa của Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác.
Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 42 xu lên mức 47,34 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến thêm 28 xu lên 44,74 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá của hai loại dầu trên đã giảm khoảng 13% kể từ ngày 25/5, khi các nước trong và ngoài OPEC đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 3 /2018, thay vì chấm dứt vào tháng 6 này như thỏa thuận ban đầu.
Báo cáo của OPEC cho biết sản lượng đầu ra của tổ chức tăng 336.000 thùng/ngày trong tháng 5 lên 32,14 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, việc sản lượng khai thác dầu của Mỹ tiếp tục tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực thực hiện thỏa thuận giảm nguồn cung thị trường dầu toàn cầu của OPEC. Trong năm 2016, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn 10% và đạt mức 9,3 triệu thùng/ngày. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo rằng con số trên có thể vượt mức 10 triệu thùng/ngày vào năm 2018.
Giá dầu vẫn chịu áp lực vì các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về sản lượng dầu tăng ở Mỹ sau khi báo cáo mới đây chỉ ra lượng xăng tồn kho bất ngờ tăng, gợi ý khả năng thời kỳ nhu cầu suy yếu đang diễn ra.
Cụ thể, EIA cho biết xăng tồn kho bất ngờ tăng 2 triệu thùng so với dự báo là sẽ giảm 457.000 thùng. Số liệu sau khi được công bố đã làm gia tăng lo ngại của thị trường về dầu sau khi báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chỉ ra sản lượng của các nước ngoài OPEC sẽ tăng trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, sản lượng và lượng dầu xuất khẩu của Nga ở mức cao cũng là một yếu tố kéo dài tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu. Dự báo, Nga sẽ xuất khẩu 61,2 triệu tấn dầu bằng đường ống trong quý III năm nay (khoảng 5 triệu thùng/ngày), tăng so với mức ước tính 60,5 triệu tấn trong quý II.