Trong phiên giao dịch ngày 12/11, giá dầu ngọt nhẹ WTI đảo chiều giữa lúc thị trường chứng khoán Mỹ bị bán tháo, trong đó giá dầu WTI giảm 11 phiên liên tiếp, chuỗi lao dốc dài nhất trong lịch sử.
Giá dầu dường như sắp phá được chuỗi lao dốc kéo dài liên tục trong hơn 1 tuần qua ở đầu phiên 12/11, sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al Falih, cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh có thể cần phải giảm sản lượng dầu bớt 1 triệu thùng/ngày để tránh tình trạng dư cung quay trở lại.
Trước đó, hôm 11/11, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi cho biết nước này có kế hoạch giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng dầu/ngày trong tháng 12/2018 trong khi quốc gia đứng đầu OPEC đối mặt với sự không chắc chắn trong việc cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất khác đồng ý cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, mối tương quan mạnh gần đây giữa chứng khoán và giá dầu giao tương lai lại thể hiện rõ ràng trong ngày 12/11 khi chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 600 điểm.
Bên cạnh đó, giá dầu tiếp tục chịu áp lực đi xuống trong phiên này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ kỳ vọng rằng OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt không cắt giảm sản lượng.
Trong một bài đăng trên trang Twitter cá nhân ngày 12/11, ông Trump bày tỏ hy vọng Ả Rập Saudi Arabia và OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng. Theo ông Trump, giá dầu cần phải thấp hơn nữa dựa trên nguồn cung.
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 1,33 USD xuống 58,86 USD/thùng, chìm sâu hơn vào “thị trường con gấu” và rớt ngưỡng 59 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 2/2018.
Giá mặt hàng dầu này chưa bao giờ giảm liên tục 11 phiên kể từ khi bắt đầu được giao dịch trên sàn New York cách đây hơn 3 năm.
Trong khi đó, giá dầu Brent hạ 1,15 USD xuống 69,03 USD/thùng. Trong phiên giao dịch có lúc hợp đồng này rớt mốc 69 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018.
Giá dầu đã giảm khoảng 20% trong tháng 10/2018, do sự gia tăng nguồn cung toàn cầu và nguy cơ nhu cầu suy giảm, đặc biệt là nhu cầu của các nước có đồng tiền đang yếu đi so với đồng USD, từ đó làm giảm sức mua của các nước này.
Ngày 12/11, Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch lưu ý: “Sản lượng dầu mỏ tăng cao tại Mỹ, cùng với nguồn cung dầu tăng dần từ Ả Rập Saudi và Nga đang bắt đầu tác động đến nguồn cung trên thị trường. Như vậy, lượng dầu tồn kho đang bắt đầu tăng trở lại”.
Trong phiên giao dịch ngày 12/11, việc chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, chạm đỉnh 16 tháng yếu tố cũng góp phần gia tăng thêm nỗi lo về nhu cầu dầu. Đồng bạc xanh mạnh hơn sẽ khiến dầu - tài sản neo giá theo đồng USD - trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ những đồng tiền khác.
Đà suy yếu của các đồng tiền ở thị trường mới nổi càng làm chi phí mua dầu gia tăng, qua đó làm dấy lên sự hoài nghi về nhu cầu dầu tương lai.