Phiên giao dịch đêm qua (11/9), giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục bị đẩy cao, do nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương sớm có hành động giải cứu kinh tế và việc đồng USD suy yếu.
Giới phân tích dự đoán giá dầu thô sẽ còn tăng cao hơn nữa và giá dầu ngọt nhẹ New York có thể trở lại ngưỡng 100 USD/thùng trong tương lai gần, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ sớm đưa ra các chính sách kích thích kinh tế mới và mối quan ngại nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn vẫn còn.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trong phiên giao dịch ngày 11/9, giá dầu tại thị trường Mỹ tiếp tục xu hướng tăng, dù chỉ ở mức khiêm tốn.
Theo kế hoạch, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu nhóm họp trong hai ngày kể từ hôm nay (12/9 theo giờ địa phương). Giới phân tích dự báo sau cuộc họp này, Cục Dự trữ Liên bang sẽ công bố một chương trình nới lỏng định lượng mới để hỗ trợ kinh tế Mỹ hồi phục đúng quỹ đạo.
Giới phân tích cho rằng, có tới 60% cơ hội để chương trình nới lỏng định lượng mới được công bố. Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ đã đưa ra báo cáo việc làm tháng 8 đầy thất vọng và đây được coi là một bằng chứng quan trọng cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cần sớm hành động.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang hướng sự chú ý vào quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức, dự kiến sẽ được đưa ra ngày 12/9, để xem liệu Đức có thể tham gia và đóng góp vào Quỹ ổn định tài chính châu Âu hay không.
Một yếu tố khác cũng có tác động không nhỏ tới thị trường năng lượng phiên 11/9 là việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2012. Tổ chức này dự kiến mức tiêu thụ của năm tới là 800 nghìn thùng/ ngày.
Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2012 tại New York tăng 63 xu, lên 97,17 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại London cũng tiến thêm 59 xu, lên 115,40 USD/thùng.
Theo OPEC, nhu cầu tiêu thụ dầu thô trên phạm vi toàn cầu trong tháng 7/2012 đã tăng mạnh, lên tới 1,1 triệu thùng/ngày, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và Ấn Độ.
Trái với tâm lý lạc quan tại phương Tây, giới đầu tư châu Á lại tỏ ra thận trọng hơn trước cuộc họp của FED, bởi họ cho rằng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy gói QE3 sẽ được kích hoạt, và thậm chí nếu điều này trở thành hiện thực thì tác động của nó đối với quá trình phục hồi kinh tế Mỹ như thế nào vẫn còn là vấn đề đáng bàn cãi.