Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá lương thực thế giới giảm mạnh nhất trong 7 năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá lương thực thế giới trong tháng 8/2015 đã có mức giảm mạnh nhất trong 7 năm qua, chủ yếu do giá dầu giảm và dư thừa nguồn cung.

Đây là thông tin vừa được công bố bởi Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO).

Theo báo cáo mới nhất của FAO, trong tháng 8, chỉ số giá thực phẩm thế giới đã chứng kiến mức giảm sâu nhất tính từ tháng 12/2008. Chỉ số hiện ở mức 155,7 điểm, thấp hơn 19,4% so với cùng kỳ năm 2014 và ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
FAO nhận định, giá thực phẩm giảm mạnh chủ yếu là do tình trạng dư nguồn cung và nỗi lo về khả năng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng kém trong dài hạn, tác động tiêu cực lên kinh tế, tài chính toàn cầu.

Tổ chức này cho hay, giá cả 5 loại hàng hóa căn bản bao gồm ngũ cốc, dầu ăn, thịt, sữa và đường đều hạ. Giá ngũ cốc hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010, trong khi đó giá sữa cũng giảm 7,2% trong tháng 8. Giá dầu ăn giảm 5,5%, giá đậu tương sụt mạnh đến 13% trong 12 tháng qua, còn giá ngô giảm 8% trong cùng kỳ.

FAO cũng nhận định nguồn cung cấp lương thực dồi dào, giá năng lượng giảm cũng như việc thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng là những yếu tố khiến giá lương thực giảm. Tổ chức trên dự báo từ nay đến cuối năm, giá ngũ cốc, lúa mỳ và gạo sẽ tiếp tục giảm. 

Giá lương thực giảm mạnh đã tác động trực tiếp lên ngành nông nghiệp vốn đang lao đao do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc giảm sút và lệnh cấm vận của Nga đối với nông sản của Liên minh châu Âu (EU).

Hồi đầu tháng này, khoảng 6.000 nông dân châu Âu đã biểu tình quy mô lớn tại Brussels (Bỉ), kêu gọi giới chức EU cần có biện pháp can thiệp nhằm giải quyết tình trạng giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh. 

Trong ngày 3/9, hơn 1.500 chiếc máy kéo do nông dân điều khiển đến từ nhiều địa phương trên toàn nước Pháp đã đổ về Paris để biểu tình gây sức ép yêu cầu Chính phủ Pháp phải hỗ trợ nông dân trong các lĩnh vực sản xuất sữa và chăn nuôi gia súc. 

Trước sức ép này, Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố kế hoạch giải ngân 500 triệu euro (557 triệu USD) trong quỹ khẩn cấp nhằm giúp giảm bớt áp lực cho nông dân.