Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá lương thực thế giới tăng trở lại trong tháng 7

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 9/8 cho biết giá lương thực thế giới đã tăng 6% trong tháng 7/2012 sau khi đã giảm trong ba tháng liên tiếp trước đó, do những điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở một số nước thời gian gần đây.

Giá lương thực toàn cầu tăng cao đã thổi bùng lên mối lo ngại về việc xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực tương tự như trong năm 2007-2008 làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người nghèo nhất trên thế giới.

FAO cho rằng những trận mưa trái mùa ở Brazil, hạn hán kéo dài ở Mỹ và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở Nga là những yếu tố chính khiến cho giá lương thực thế giới tăng cao.

Chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO tháng 7/2012 đã tăng 12 điểm so với tháng 6/2012, tương đương 6%, lên 213 điểm. Đây là tháng tăng đầu tiên của chỉ số này trong 4 tháng gần đây, tuy nhiên vẫn thấp hơn con số kỷ lục 238 điểm ghi nhận vào tháng 2/2011.

Chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO được dùng để đo lường mức độ thay đổi về giá hàng tháng của rổ hàng hóa lương thực, thực phẩm trên thế giới, trong đó có ngũ cốc, dầu ăn, các loại thịt, đường và sữa.

Theo đó, chỉ số giá ngũ cốc tăng cao nhất trong tháng Bảy, ở mức 17% so với tháng trước. Giá ngũ cốc tăng mạnh chủ yếu do hạn hán tại Mỹ tàn phá mùa màng ở những vùng trồng trọt chính, khiến giá ngô tăng gần 33% trong tháng Bảy. Giá lúa mỳ cũng tăng 19% do lo ngại sản lượng tại Nga sụt giảm.

Trong khi đó chỉ số giá đường cũng tăng 12% trong tháng Bảy do mưa trái mùa đã làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch mía ở Brazil - quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, mưa gió mùa đến muộn ở Ấn Độ cùng tình trạng thiếu mưa tại Australia cũng là nhân tố làm ảnh hưởng đến vụ mía đường của các quốc gia này.

Tuy nhiên, chỉ số giá gạo, sữa và các sản phẩm làm từ sữa vẫn duy trì ổn định trong tháng Bảy, mặc dù chỉ số giá thịt các loại giảm 1,7% do giá thịt lợn giảm mạnh.

Giá lương thực, thực phẩm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến những nước nghèo nhất trên thế giới bởi vì những nước này sẽ phải chi nhiều tiền hơn để nhập khẩu do không sản xuất đủ ở trong nước.

Tổ chức Oxfam cho biết từ đầu năm đến nay, giá lương thực thực phẩm tăng cao cùng với hạn hán đã gây ra khủng hoảng lương thực ở tiểu vùng Sahel phía Tây và Trung châu Phi, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 18 triệu người dân ở khu vực này.