Giá sữa giảm từ 2 - 28%
Sáng 21/6, phần lớn các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại một số đại lý sữa lớn trên phố Hàng Buồm, Bạch Mai, Tây Sơn, Phố Huế đều đã thực hiện việc giảm giá. Tính bình quân mỗi hộp sữa giảm ít nhất vài chục ngàn đồng, thậm chí có hộp giảm tới cả trăm ngàn đồng so với trước đây một tháng. Chẳng hạn như Abbott, dòng sản phẩm Abbott Grow 3 trước đây có giá hơn 300.000 đồng/hộp 900g thì nay đã giảm gần 30.000 đồng, chỉ còn 271.000 đồng/hộp 900g. Hay các sản phẩm sữa của Mead Jonhson giá bán lẻ giảm từ 16 - 25,5% (giảm từ 31.600 - 221.500 đồng/hộp, tùy loại)... Sữa Cô gái Hà Lan do công ty đã hỗ trợ chênh lệch giá đối với lượng hàng tồn, nên một số cửa hàng đã giảm giá từ trước ngày 21/6. Cụ thể, Frisolac Gold 1 (loại 400g) giá 225.400 đồng (giảm 31.000 đồng), Frisolac Gold 1 (loại 900g) giá 466.900 đồng (giảm 57.000 đồng)… Một loạt hãng sữa khác như Nestlé, Vinamilk cũng đã có điều chỉnh. Mức giảm của những mặt hàng này dao động từ 11 - 24% tương đương 18.900 - 196.000 đồng/hộp.
Thậm chí, có nhiều cửa hàng còn bán thấp hơn so với mức giá khuyến nghị của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đơn cử sữa Enfamil A+1 400gr được doanh nghiệp (DN) sản xuất khuyến nghị giá bán lẻ là 215.000 đồng/hộp, Enfagrow A4+ 900gr: 339.000 đồng/hộp... nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng hầu như thấp hơn 1.000 - 2.000 đồng/hộp. Thậm chí một số cửa hàng khu vực nội thành như Hàng Buồm, Đội Cấn hay Bạch Mai còn thấp hơn 5.000 đồng/hộp, tùy theo từng sản phẩm và trọng lượng. Anh Đức Hậu, chủ đại lý sữa Liên Đạt tại phố Bạch Mai cho biết, tùy vào mức chiết khấu của các nhà phân phối cho các đại lý, các đại lý sẽ có mức giảm giá phù hợp, không vượt quá giá bán lẻ tối đa cho người tiêu dùng để giữ khách, vì cơ quan quản lý chỉ thông báo giá bán lẻ tối đa của từng dòng sản phẩm.
Nhiều đại lý cho biết, phản ứng của người tiêu dùng trong ngày đầu tiên áp giá trần bán lẻ sữa đều là yêu cầu bán đúng theo giá, và được xem bảng giá niêm yết của Bộ Tài chính. Trước thời điểm áp giá trần bán lẻ, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã công bố các số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận kiến nghị và hướng dẫn bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Không thể chủ quan
Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cùng một mặt hàng, đơn vị nào có giá bán thấp hơn sẽ có cơ hội chiếm lĩnh được thị phần, nên thị trường mới có nhiều mức giá bán lẻ và thấp hơn cả giá bán khuyến nghị của nhà sản xuất, nhập khẩu. Chị Thu Hiền (Cát Linh, Hà Nội) cho biết: Người tiêu dùng chúng tôi thấy rất mừng khi Bộ Tài chính thực hiện áp giá sữa trần, vì mua được sữa với giá hợp lý, không còn phải lo lắng khi giá sữa liên tục tăng như trước đây".
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại. Tại một cửa hàng sữa trên đường Thái Thịnh, khi được hỏi về loại sữa Enfagrow A+3 loại 900g, người bán hàng giới thiệu là loại sữa này có 2 loại: Một loại cũ có giá 480.000 đồng, nay được giảm xuống còn 430.000 đồng; một loại mới được áp dụng giá bán trần có giá 350.000 đồng. Về mẫu mã bao bì, loại sữa Enfagrow A+3 mới chỉ khác với loại cũ ở biểu tượng góc trên bên trái có ghi chữ "Mới". Anh Quốc Bình (Ngã Tư Sở, Hà Nội) là một trong những khách hàng mua sữa tại cửa hàng này cho biết: "Khi thấy giá giữa hai loại sữa cũ và mới chênh lệch giá khá lớn, lên tới 130.000 đồng, nghĩa là giá mới giảm gần 30% so với giá cũ, tôi cảm thấy đôi chút băn khoăn về chất lượng của sản phẩm. Không biết liệu sản phẩm mới có giá rẻ hơn, có đủ chất dinh dưỡng như sản phẩm cũ không?".
Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, không thể loại trừ khả năng DN dùng các chiêu trò để lách luật. Cụ thể, sau khi bán hết sản phẩm bị áp giá, DN sẽ thay tên khác cho sản phẩm để bán giá mới. "Mặc dù Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định đã lường trước được những chiêu lách luật nên đã quy định bất kỳ nhãn sữa mới nào cũng đều phải làm thủ tục đăng ký giá nhưng từ khâu phát hiện đến xác định, kiểm tra cũng phải mất thời gian. Nếu giảm trọng lượng thì có thể thấy ngay nhưng nếu DN giảm một vài vi chất của sản phẩm thì người tiêu dùng khó có thể phát hiện được" - vị chuyên gia này đặt giả thiết.Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng phản ánh, ngay trong ngày đầu tiên, nhiều sản phẩm sữa nằm trong danh sách áp trần của Bộ Tài chính bỗng biến mất khỏi các siêu thị.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sữa tại siêu thị Hapro Lò Đúc. Ảnh: Việt Dũng
|
Ngoài những công ty sữa đã đăng ký giá với Bộ Tài chính, Hà Nội sẽ thực hiện quản lý giá đối với 12 công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa đóng trên địa bàn TP. Tính đến ngày 21/6 đã có 4 công ty gửi đăng ký giá tới Sở Tài chính với tổng cộng 56 mặt hàng sữa là: Công ty TNHH Dinh dưỡng thực phẩm Eneright, Công ty CP Sữa sức sống mới, Dairy Goat, Xuất nhập khẩu HP Việt Nam. 8 công ty còn lại sẽ phải gửi trước ngày 20/7. Bà Lê Thị Loan - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội |