Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng áp lực lãi suất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãi suất tiền gửi đang được một số ngân hàng (NH) thương mại đẩy cao hơn, không chỉ được nâng lên ở một vài tổ chức tín dụng, mà tăng đồng loạt ở các NH, ở các kỳ hạn. Động thái này đang gây áp lực đến lãi suất cho vay.

Khó kìm cuộc đua lãi suất

Lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục “nóng”, nhiều NH đã đẩy lãi suất huy động VND lên tối đa ở các kỳ hạn ngắn... Tại OceanBank, VietABank, NamABank HDBank, Viet Capital Bank, Phương Đông (OCB), Kienlong Bank, SacomBank… đều đã kịch trần 5,5% (giới hạn cho phép của NH Nhà nước - NHNN) ở tất cả các kỳ hạn ngắn từ 1 - 5 tháng. Trong khi đó, lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dài (từ 6 tháng trở lên) đã tăng lên khá nhanh trong thời gian qua, ở mức trên 8%/năm.
Giao dịch tại một chi nhánh HD Bank Hà Nội.  	Ảnh: Thanh Hải
Giao dịch tại một chi nhánh HD Bank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Năm 2016, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18 - 20%. “Cầu kinh tế tăng lên và Bộ Tài chính đang cần huy động rất nhiều vốn để đầu tư cho phát triển, thì mặt bằng VND vẫn cần phải được duy trì ở mức đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân giữ và gửi tiết kiệm bằng VND. Nhìn sâu vào bên trong, dễ nhận thấy thực lực của hệ thống còn rất yếu, nợ xấu vẫn chưa giảm khiến câu chuyện lãi suất huy động và cho vay mãi không xử lý xuống thấp được” - TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Thời điểm này, các NH quốc doanh và nửa quốc doanh cũng đã nâng lãi suất huy động lên ngang bằng các NH cổ phần. Thực tế, so với cách đây 12 - 18 tháng, theo kết quả khảo sát lãi suất tháng 3 của Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), cả lãi suất huy động và cho vay VND tăng nhẹ. Cụ thể, lãi suất huy động bình quân VND tăng nhẹ trong tháng 3 (tại thời điểm cuối tháng 3 tăng 0,06% lên 6,02% từ mức 5,96% của tháng 2 và tăng 0,12% so với đầu năm). Dữ liệu thống kê từ HSC cho thấy, Techcombank đã nâng thêm lãi suất cho vay từ 0,1 - 3,1% đối với kỳ hạn ngắn và 0,3 - 0,9% đối với kỳ hạn trung và dài hạn, tùy thuộc mức tín nhiệm tín dụng của khách hàng; Vietcombank và Agribank có lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất là 7%/năm, trong khi lãi suất cho vay trung hạn là 9%/năm.

Nền kinh tế đã sẵn sàng?

Theo quy định, NHNN chỉ áp trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%. Lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng do các NH thương mại (NHTM) và khách hàng tự thỏa thuận. Vì vậy, lãi suất huy động tăng, đương nhiên lãi suất cho vay phải tăng theo. Đối với lãi suất cho vay, các khoản cho vay trung và dài hạn, các NH thường áp dụng theo phương thức thả nổi lãi suất. Nghĩa là lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ, thay đổi theo biến động thị trường tài chính. Mức điều chỉnh và kỳ hạn điều chỉnh sẽ theo thỏa thuận giữa khách hàng và NH.

Lãnh đạo của một NHTM CP cho biết, từ cuối năm 2015, hầu hết các NH cho vay dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 7 - 9%/năm áp dụng trong 6 tháng đến 12 tháng. Sau đó, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng hoặc 13 tháng cộng với biên độ 3 - 4%. Chị Quỳnh Anh, khách vay vốn mua nhà tại chi nhánh một NHTM CP trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết, nếu phân tích khoản vay mà chị vừa ký với NH này, lãi suất đã lên 11,5%. NH đưa ra 2 cách trả: Cách thứ nhất, trả cố định một số tiền thì lãi suất là 7,99%; cách thứ hai, áp dụng lãi suất thả nổi, chị sẽ chịu lãi 11,55%/năm. Sau khi tính toán, chị thấy cả hai cách đều đưa đến mức lãi khoảng 11,54%/năm, không còn quanh mức 10% như giữa cuối năm 2015. Là DN chuyên sản xuất chè xuất khẩu ra nhiều thị trường nước ngoài, ông Ngô Thành Nam - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội cho biết, Công ty thường phải vay vốn NH khá cao. Với số đơn hàng xuất khẩu thường xuyên, chi phí trả lãi vay ngay NH chiếm khoảng 30% tổng chi phí của DN. Chính vì vậy, mỗi biến động lãi suất trên thị trường đều sẽ tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của DN. Còn ông Dương Tô Hà - Giám đốc Công ty Sản xuất, kinh doanh kính Phương Đông chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, lãi suất 10 - 11%, DN sẽ có lãi 3 - 5%, còn động lực cho họ sản xuất. Nhưng nếu lãi tăng lên thêm 1 - 2% nữa thì rất khó.
Mới đây, NHNN tiếp tục yêu cầu các NH thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tăng cường bảo đảm an toàn và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Điều này có nghĩa, quy định đã thắt chặt hơn, tăng trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo thanh khoản, giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ, thậm chí để đảo nợ... Chừng nào nợ xấu chưa được xử lý triệt để, cơ hội để giảm lãi suất là không nhiều.
TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN