Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng trẻ mắc ho gà do không tiêm vaccine

Mai Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư đã tiếp nhận và điều trị cho 50 trẻ mắc bệnh ho gà có biến chứng nặng, trong đó 4 ca tử vong.

Đa số trẻ bị bệnh đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh này.
 
 Ảnh minh họa
Bệnh nhi Trần Thu N. (4 tháng tuổi, ở Hà Nội) hiện phải nằm điều trị trong phòng cách ly do biến chứng viêm phổi. Mẹ bệnh nhi cho biết, lúc đầu cháu chỉ ho vài tiếng đứt quãng, gia đình nghĩ cháu bị viêm họng thông thường nhưng càng ngày cơn ho càng dai dẳng, trẻ tím tái. Khi gia đình đưa đến BV thì bé đã viêm phổi nặng do biến chứng ho gà. Cạnh giường bệnh, mẹ cháu D. (ở Hải Phòng) cho biết, thời gian trước, cháu xuất hiện từng cơn ho rũ rượi, tiếng thở rít, sau cơn ho xuất hiện tím tái, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở. Khám tại BV tư nhân, cháu được chẩn đoán viêm phế quản phổi và điều trị hơn một tuần. Tuy nhiên, do bệnh tình không thuyên giảm, cháu được chuyển đến BV Nhi T.Ư. Cháu D. cũng chưa tiêm mũi vaccine phòng bệnh này.
Ngoài việc ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư cho biết, một điều đáng lo ngại nữa là bệnh có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1 - 2 tuần, khó nhận biết sớm, trong khi đây lại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan rất cao. Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Cũng theo ông Lâm, ho gà để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó viêm phổi nặng là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, trẻ còn dễ bị biến chứng viêm não. lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng, tràn khí màng phổi, xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác… Do vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.
Để phòng bệnh ho gà, ông Lâm khuyến cáo, cần cho trẻ tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch (loại vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván – DTP hoặc vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b – Quinvaxem). Lịch tiêm phòng vaccine như sau: Mũi thứ 1 khi trẻ 2 tháng tuổi và các mũi thứ 2, 3 cách mũi trước một tháng. Mũi thứ 4 là khi trẻ 18 tháng tuổi và nên nhắc lại mũi 5 lúc 17 - 18 tuổi. Ngoài ra, để phòng bệnh ho gà, phụ huynh cần cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày, đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.
Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị sớm, tránh nguy cơ bị biến chứng.