Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá thức ăn chăn nuôi tăng: Nông dân khó tái đàn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Cơn bão" tai xanh vừa dịu đi không lâu, người chăn nuôi ngoại thành vốn đang thấp thỏm gây lại đàn lợn nay lại thêm một nỗi lo khác đó là giá thức ăn chăn nuôi ( TĂCN) vẫn tăng cao trong khi sức tiêu thụ lợn thịt chưa cải thiện.

KTĐT - "Cơn bão" tai xanh vừa dịu đi không lâu, người chăn nuôi ngoại thành vốn đang thấp thỏm gây lại đàn lợn nay lại thêm một nỗi lo khác đó là giá thức ăn chăn nuôi ( TĂCN) vẫn tăng cao trong khi sức tiêu thụ lợn thịt chưa cải thiện.

 

Người chăn nuôi vẫn lỗ


Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, từ tháng 6 đến nay, giá thức ăn cho lợn, gà vẫn tăng từ 20.000 - 25.000 đồng/bao (25kg) so với tháng trước. Đây là lần tăng giá thứ 7 kể từ đầu năm đến nay. Bình quân 6 tháng đầu năm 2010, giá TĂCN tăng 13% so với cùng kỳ năm 2009. Riêng trong tháng 6, giá thức ăn cho lợn tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.


Bà Phan Hồng Liên, Trưởng ban Nghiên cứu TĂCN và Sữa, Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) cho biết: “Theo dự báo, năm 2010, Việt Nam sẽ là nước đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu khô đậu tương với tổng lượng ước tính trên 2,7 triệu tấn, tăng 130.000 tấn so với năm 2009. Hơn nữa, nhu cầu các sản phẩm thịt thường lớn vào quý IV hàng năm nên tiêu thụ TĂCN sẽ tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến cuối năm. Nhiều khả năng giá các nguyên liệu cũng leo dốc trong khoảng thời gian này. Như vậy 6 tháng cuối năm, TĂCN vẫn là một vấn đề "nóng" đối với ngành chăn nuôi Việt Nam".


Ông Bùi Văn Mùa, Chủ nhiệm Tổ hợp Chăn nuôi xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ lo lắng: “Hiện tại, giá cám các hãng đều tăng. Giá cám Con heo vàng loại tốt vào khoảng 14.900 đồng/kg; các loại cám khác cũng ở mức 12.000 - 13.000 đồng/kg, tăng gần 1.000 đồng/kg so với trước. Trong khi đó giá lợn hơi vẫn chỉ ở mức 29.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu nhà nào có lợn giống, nuôi từ nhỏ đến khi xuất chuồng thì mới hòa vốn. Còn nếu phải mua giống thì lỗ khoảng 150.000 - 200.000 đồng/con".


"Rình" giá xuống để tái đàn


Sau dịch tai xanh, tình hình tiêu thụ thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cùng với đó, giá TĂCN vẫn ở mức cao khiến các hộ chăn nuôi khó trụ nổi. Xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ vốn là một vùng chăn nuôi sôi động nhưng giờ đây, không khí lại trở nên yên ắng. Nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ chuồng trại để đi làm công việc khác. Anh Bùi Văn Tuấn, xóm Mới, xã Hồng Phong ngậm ngùi: “Trước đây, chuồng nhà tôi lúc nào cũng có 50 - 60 con lợn. Sau dịch tai xanh, tôi muốn gây lại đàn lợn, nhưng giá TĂCN vẫn ở mức cao, nếu tiếp tục nuôi thì cầm chắc lỗ. Vì thế tôi đã bỏ chuồng không hàng tháng nay và chuyển sang làm phụ hồ, có lúc đi cào ốc, hến bán". Anh Tuấn cho biết, mỗi ngày cào được 30kg ốc, với giá 5.000 đồng/kg cũng được 150.000 đồng/ngày.


Ông Nguyễn Văn Khuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Phong cho biết: Toàn xã có trên 30 hộ chăn nuôi từ 50 con lợn trở lên thì nay có tới 1/3 số hộ bỏ chuồng không. Chỉ còn những hộ làm mô hình VAC thì duy trì đàn lợn để lấy phân cho cá. Còn theo ông Mùa, Chủ nhiệm Tổ hợp Chăn nuôi xã Hồng Phong thì hiện nay, chăn nuôi của xã đang rất trì trệ. Thời điểm cao nhất, Tổ hợp có 1.500 con lợn nhưng nay chỉ còn khoảng 500 con. Hầu hết những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 5 - 7 con đều đã bỏ nuôi lợn. Nhiều chủ trang trại vẫn đang “rình" xem giá thịt tăng hay giá TĂCN giảm thì mới tái đàn".


Để giúp người chăn nuôi tái đàn, theo ông Mùa cần hỗ trợ cho nông dân vay vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư bởi họ đã lỗ quá nhiều do dịch tai xanh. Nhà nước phải tìm cách kích giá mua lợn xuất chuồng, tạo động lực cho người chăn nuôi. Còn về TĂCN nếu không giảm được giá thì vẫn phải giữ nguyên mức giá hiện nay, tránh tăng giá như thời gian vừa qua. Cùng với đó, có biện pháp kiểm soát thịt nhập khẩu để giảm áp lực cạnh tranh với thịt nội.