Hôm qua (19/7), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD ở mức 23.067 đồng/USD. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.375 VND/USD và tỷ giá trần là 23.759 VND/USD.
Cũng vào phiên sáng qua, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng mạnh giá mua – bán USD. Tuy nhiên, sáng nay một số ngân hàng thương mại đã hạ giá trao đổi USD so với phiên trước.
Cụ thể, lúc 10 giờ tại Vietcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.190 – 23.310 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD so với phiên hôm qua. Tại BIDV niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.280 – 23.300 đồng/USD, tăng 10 chiều mua và chiều bán.
Tại Techcombank cùng thời điểm trên niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.170 – 23.310 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD so với chốt phiên trước.
Cùng thời điểm, tại Vietinbank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.176 – 23.296 đồng/USD, giảm 8 đồng/USD chiều mua và chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Tại Eximbank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.170 – 23.280 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD của 2 chiều mua - bán so với mức niêm yết trước.
Ngân hàng ACB niêm yết cùng thời điểm mua – bán USD ở mức 23.170 – 23.290 đồng/USD, niêm yết ngang giá so với mức niêm yết trước.
Giá trao đổi đồng USD trên thị trường tự do trong nước sáng nay cơ bản niêm yết ngang giá so với phiên trước. Cùng thời điểm trên, tại thị trường Hà Nội, đồng USD giao dịch mua – bán quanh mốc 23.220 – 23.235 đồng/USD.
Tuần qua, đồng USD và các ngoại tệ mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế giao dịch trong nước đã biến động khá mạnh. Đồng USD có phiên điều chỉnh tăng 20 – 35 đồng. Trên thị trường quốc tế phiên đêm qua (giờ Hà Nội), giao dịch tại Mỹ đồng USD đã tăng mạnh 0,3% giá trị so với 6 ngoại tệ mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế.
Các đồng tiền chính như: EURO, bảng Anh, đô Canada, yên Nhật, france Thuỵ Sỹ tuần qua cũng đảo chiều liên tục, bước giá điều chỉnh khá cao. Đặc biệt, EURO, bảng Anh có bước điều chỉnh tăng giảm từ trên 100 – 250 đồng mỗi phiên. Yên Nhật cũng có phiên điều chỉnh đến 6 đồng.
Ước tính tổng kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2018 đã giảm 500 tỷ USD và dự báo 2019 sẽ giảm 1,5 nghìn tỷ USD, đây là dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra nhận định, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung và một số khu vực khác sẽ khiến GDP toàn cầu giảm 5%, mất khoảng 455 tỷ USD trong năm 2019.
Với những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra dự báo sẽ hạ lãi suất đồng USD. Vừa qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã cắt giảm lãi suất xuống còn 1,5%.
Chuyên gia phân tích, khi kinh tế suy giảm thì các ngân hàng trung ương đều đưa ra các biện pháp phòng hộ cho nền kinh tế, trong đó có hạ lai suất. Mới đây Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã thông báo sẽ hạ lãi suất.
Chuyên gia phân tích, nếu như Mỹ hạ lãi suất sẽ khiến cho đồng USD suy yếu giá trị so với các đồng tiền khác. Đồng thời, các ngân hàng trung ương khác cũng đồng loạt hạ lãi suất khiến cho thị trường tiền tệ bị đảo lộn. Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế vì thế chịu ảnh hưởng không nhỏ. Điều này có thể dẫn đến khủng hoảng tiền tệ tài chính và kéo theo là khủng hoảng kinh tế toàn cầu.