Vào lúc 9 giờ sáng ngày 28/2, giá vàng SJC xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần biến động, và được giao dịch ở mức 42,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,02 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tuy nhiên, đến thời điểm 10 giờ, giá vàng SJC mua vào bất ngờ tăng lên mức 43,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,22 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến 14 giờ chiều, giá vàng miếng SJC tiếp tục nhỉnh hơn phiên buổi sáng và được giao dịch ở mức 43,13 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,25 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giao dịch vàng tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông.Ảnh: Kim Phượng
Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long 24K liên tục tăng, từ 4,180 triệu đồng/chỉ (mua vào) và 4,205 triệu đồng/chỉ (bán ra) vào thời điểm 10 giờ sáng ngày 28/2; lên mức 4,195 triệu đồng/chỉ (mua vào) và 4,220 triệu đồng/chỉ (bán ra) lúc 14 giờ chiều, tăng khoảng 0,6%.
Theo tìm hiểu, sau khi giá vàng giảm mạnh vào sáng 28/2, tại nhiều cửa hàng kinh doanh vàng, lượng khách giao dịch có tăng nhưng không nhiều. Một nhân viên giao dịch thuộc Công ty CP Vàng bạc Phú Quý khi được hỏi chỉ trả lời lấp lửng: "Thời điểm nhạy cảm, không tiện trả lời". Tuy nhiên, giao dịch mua bán có xu hướng nghiêng về bên mua. Nhiều người còn tự tin khẳng định, giá vàng sẽ còn tiếp tục biến động do các vấn đề của nền kinh tế hiện tại, cùng với đó là việc giá vàng thế giới rơi tự do nên giá vàng trong nước sẽ có xu hướng tiếp tục giảm. Và đa phần người được hỏi đều dự đoán rằng, giá vàng sẽ chỉ xuống tới mức thấp nhất là 41 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại thị trường châu Á, giá vàng thế giới có xu hướng tăng nhẹ trở lại và được giao dịch ở mức 1.601 USD/ounce (thời điểm 14 giờ chiều ngày 28/2), tăng khoảng 2 USD/ounce so với hai phiên giao dịch ngày 27/2. Nhiều nhà đầu tư nhận định, giá vàng thế giới tăng nhẹ nhưng chưa đủ sức tác động tới xu hướng thị trường trong nước.