Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng trên mốc 1.810 USD/oz, tăng hơn 1 USD/oz so với chốt phiên giao dịch trước.
Đầu phiên giao dịch sáng nay, lúc 8 giờ 30 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.809 USD/oz, tăng hơn 1 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và giảm nhẹ gần 1 USD/oz so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.
Giá vàng trong nước sáng nay một số đơn vị quay đầu giảm đi ngược xu hướng thế giới, nhưng có đơn vị vẫn tăng mạnh.
Cụ thể, lúc 8 giờ 30, giá vàng SJC trên thị trường tự do tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 50,28 – 50,65 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 50,28 – 50,67 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 20.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 370.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở quanh mức 50,35 – 50,6 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 250.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở quanh mức 50,35 – 50,6 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 250.000 đồng/lượng.
Vàng SJC giao dịch tại Vietinbank Gold niêm yết ở mức 50,3 – 50,69 triệu đồng/lượng tại Hà Nội, ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 390.000 đồng/lượng.
Vàng SJC tại Maritimebank niêm yết ở mức 49,6 – 50,8 triệu đồng/lượng, ngang giá chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trướcChênh lệch mua - bán là 1,2 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC tại Eximbank niêm yết ở mức 50,28 – 50,48 triệu đồng/lượng, ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 200.000 đồng/lượng.
Sáng nay, giá vàng nhẫn các đơn vị niêm yết có đơn vị tăng, nhưng có DN lại giảm so với chốt phiên trước.
Cụ thể, nhẫn phú quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết mua - bán ở mức 49,85 – 50,45 triệu đồng/lượng, ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán ở mức 600.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn tròn trơn rồng Thăng Long được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết mua - bán ở mức 49,91 – 50,51 triệu đồng/lượng, giảm 160.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với mức niêm yết sáng qua, đơn vị này đã tăng 180.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Nhận định của chuyên gia, mặc dù giá vàng ở mức cao, nhưng lực cầu trên thế giới không quá lớn. Trong khi đó, nhà đầu tư chưa có ý định chốt lời sau khi giá vàng đã tăng tốt vào phiên trước đó. Bởi lẽ, thị trường đang có khá nhiều yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, các nước Ấn Độ, Mỹ và Anh vẫn đang gia tăng căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề phần mềm công nghệ Tik Tok, Huawei. Vừa qua, Hàn Quốc cũng đã phạt Tik Tok 155.000 USD do dẫn dụ người dùng chưa đủ tuổi sử dụng.
Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo khá nhiều ngân hàng tại châu Âu có thể mất khả năng chi trả do phải đóng cửa phòng chống dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Cũng có ý kiến đi ngược, rằng: Thị trường đang có những tín hiệu xấu đối với vàng. Đó là, Ngân hàng Trung ương Nga đang đẩy mạnh bán vàng do giá cao, thu lại lợi nhuận. Trước đây nhiều năm, Ngân hàng này đã thu mua liên tục vàng với giá thấp để dự trữ quốc gia. Điều quan trong nhất mà thị trường tài chính tiền tệ luôn qua tâm đó là lạm phát và GDP của Mỹ. Trong đó tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng trở lại trong tháng 6, sau 3 tháng giảm trước đó. Điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại sau dịch bệnh. Ngân hàng Trung ương Anh cũng cho biết thêm, kinh tế nước này sẽ tăng theo hình chữ V không hoàn chỉnh. Người dân phải thận trọng tránh dịch bệnh quay trở lại thì nền kinh tế phục hồi tốt.
Chính những thông tin trái chiều kể trên đã khiến thị trường vàng đang bình lặng. Bên bán muốn chờ giá tăng, còn bên mua chưa mặn mà do lo ngại giá vàng giảm khi kinh tế tăng trưởng.