Giá vàng thế giới thiếu yếu tố hỗ trợ
Chốt phiên tại thị trường Mỹ vào đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức gần 1.801 USD/ounce, giảm hơn 6 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.801 USD/ounce, chỉ đi ngang so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng thế giới trên thị trường quốc tế đêm qua đã quay đầu giảm là do dự báo chỉ số quản lý thu mua hàng tổng hợp (PMI) ở khu vực châu Âu tăng từ 59,5 điểm trong tháng 6 lên mức 60,6 điểm trong tháng 7, cao hơn nhiều mức dự báo và tăng cao nhất trong vòng 21 năm qua.
Điều này cho thấy, kinh tế Khu vực Eurozone đang tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp dịch bệnh Covid-19 vẫn còn gia tăng. Những thông tin tích cực về kinh tế đã khiến nhà đầu tư đã hạ tỷ trọng nắm giữ vàng.
Tuần qua, giá vàng thế giới thiếu những yếu tố hỗ trợ. Thông tin trong tuần phần lớn là phản ánh về sự tăng trưởng tích cực của các doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ, kinh tế khu vực châu Âu đã khiến cho giá vàng không được hỗ trợ. Trong tuần, duy chỉ có phiên ngày 23/7, giá vàng nhích tăng sau thông tin báo cáo việc làm tại Mỹ kém khả quan. Chốt tuần, giá vàng thế giới để mất 13 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Mặc dù kinh tế châu Âu đang tăng trưởng tích cực, nhưng chuyên gia cũng nhận định: Dịch bệnh gia tăng là chậm trễ sự phục hồi của các chuỗi cung ứng, do đó sẽ làm tổn hại đến lĩnh vực sản xuất. Điều này sẽ đẩy chi phí tăng, kéo theo giá cả hàng hóa lên cao, kinh tế sẽ rơi vào tình trạng lạm phát. Khi đó giá vàng sẽ leo cao. Do vậy, giới phân tích, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ vàng trong điều kiện nền kinh tế phục hồi chưa ổn định.
Vàng trong nước ảm đạm
Sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường trong nước diễn biến trái chiều nhau so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,8 - 57,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,8 - 57,47 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều giảm 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 650.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,8 - 57,55 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 750.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 57 - 57,6 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51,4 - 52,3 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 51,3 - 52,1 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Nhìn chung, trong tuần giá vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới. Tuy nhiên, mức điều chỉnh trong biên độ hẹp. Các bước điều chỉnh giá chỉ từ 20.000 – 100.000 đồng/lượng.
Tính chung, giá vàng SJC trên thị trường tự do giảm 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC niêm yết tại Doji giảm 50.000 đồng/lượng; ngược lại tại Phú Quý vàng SJC lại tăng 130.000 đồng/lượng.
Thị trường vàng trong nước tuần qua tiếp tục ảm đạm. Nhiều cơ sở phải đóng cửa phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ ở một số tỉnh/thành phố. Hầu hết các cơ sở bán hàng online phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân là chủ yếu. Ở các tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các cơ sở kinh doanh đều đã đóng cửa bán hàng trực tiếp.