Lúc 6 giờ 10 phút sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay trên thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.992 USD/ounce, tăng hơn 8 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), tại thị trường Mỹ, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.992 USD/ounce, tăng hơn 7 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó. Giá vàng giao theo hợp đồng cũng tăng trên 6,4 USD lên mức 1.999,9 USD/ounce.
Kết thúc phiên hôm qua 3/11, giá vàng SJC ngược chiều giảm mạnh so với phiên trước. Cụ thể, giá vàng trên thị trường TP Hồ Chí Minh đứng quanh mức 69,65 – 70,35 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 69,65 – 70,37 triệu đồng/lượng (mua – bán). Các thị trường trên đều giảm mạnh 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, đứng giá trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 69,6 – 70,4 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 69,7 – 70,38 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 260.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 220.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 580.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trong phiên hôm qua tiếp tục tăng mạnh so với phiên trước, lập đỉnh mới trên 60 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 59,08 – 60,03 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng mạnh 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán giảm là 950.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 58,8 – 59,75 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giữ giá chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 900.000 đồng/lượng.
Đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã công bố bảng lương phi chính phủ tháng 10 chỉ ở mức 150.000 lao động mới được tạo ra, giảm mạnh so với mức đạt được của tháng trước là 297.000 việc làm, thấp hơn nhiều mức dự báo 180.000 việc.
Bảng lương phi nông nghiệp tư nhân của Mỹ tháng 10 cũng giảm mạnh, chỉ đạt được 99.000 lao động có việc làm mới, thấp hơn nhiều mức đạt được của tháng trước 246.000 việc làm và thấp hơn nhiều dự báo 158.000 việc.
Lao động giảm mạnh ở các lĩnh vực sản xuất, nhưng lại tăng ở khu vực sử dụng tiền lượng chính phủ. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng 10 cũng tăng lên 3,9%, cao hơn mức 3,8% trước đó và dự báo.
Cùng với đó, khu vực kinh tế châu Âu cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 đã tăng lên mức 6,5%, cao hơn mức dự báo và tháng trước là 6,4%. Nền kinh tế Canada cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 tăng lên mức 5,7%, cao hơn mức dự báo 5,6% và mức đạt được của tháng 9 là 5,5%.
Nhận định của chuyên gia, thị trường lao động Mỹ và các nền kinh tế lớn khác dự báo chậm lại trong những tháng cuối năm nay. Điều này cho thấy hiệu lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dự báo, có thể Fed sẽ không còn tăng thêm lãi suất điều hành đồng USD trong những tháng tới.
Tuy nhiên, lao động giảm sẽ có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Đây chính là nguyên nhân khiến giới đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ, châu Âu tăng trưởng không ổn định, kéo theo các nền kinh tế trên toàn cầu kém đi, do đó đã đẩy mạnh mua vàng.