Vàng thế giới tăng mạnh
Trong tuần, giá vàng thế giới đã có những phiên biến động mạnh tăng – giảm trên 10 USD/oz mỗi phiên.
Mở cửa tuần, sáng ngày 17/12, giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.237 USD/oz tại thị trường châu Á. Chỉ phiên sau đó tại thị trường Mỹ giá vàng thế giới đã tăng lên mức 1.245 USD/oz, còn thị trường châu Á lên mức 1.246 USD/oz, tăng 8-9 USD/oz. Trong phiên đầu tuần, giá vàng chịu áp lực từ ý kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng không nên tăng lãi suất, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.
Phiên sau đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) họp phiên đầu tiên trong2 ngày họp của tháng 12. Thị trường đưa ra dự đoán FED vẫn tăng lãi suất đồng USD. Mọi dự đoán đều đúng, bởi kết thúc phiên họp cuối cùng FED đã tăng 0,25% lãi suất đồng USD, đây là lần thứ 4 trong năm và dự báo sẽ tăng thêm 3 lần nữa trong 2019.
Khác với mọi lần tăng lãi suất trước đồng USD tăng giá trị so với 6 đồng tiền chủ chốt trong giỏ thanh toán, còn vàng đi ngược lại, nhưng lần này vàng đi lên 2 phiên liền, vượt mốc 1.261 USD/oz. Nhà đầu tư đã trở nên lo lắng bởi FED tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới gặp khá nhiều khó khăn ở nhiều khu vực, như: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa kết thúc, Pháp tiếp tục bất ổn chính trị, sự kiện Brexit tại Anh dự báo kết cục không tốt đẹp – Anh có thể rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào…
Phiên cuối tuần 22/12, giá vàng thế giới giảm nhẹ gần 6 USD về mức 1.255,8 USD/oz. Tuy nhiên, chuyên gia dự báo vàng vẫn tiếp tục đi lên, bởi các yếu tố hỗ trợ kể trên vẫn chưa mất đi giá trị. Thêm nữa, Chính phủ Mỹ có thể bị đóng cửa nếu không được phê duyệt ngân sách. Thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc. Nếu chinh phục được mốc cản 1.261 USD vàng thế giới còn tăng mạnh, có thể lên mốc 1.300 vào đầu năm 2019.
Vàng trong nước thiếu động lực
Mặc cho vàng thế giới tăng – giảm mạnh, nhưng trong tuần vàng trong nước không có nhiều biến động. Mở cửa tuần, vàng SJC trên thị trường tự do TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mức 36,25 – 36,43 triệu đồng/lượng. Vàng SJC trên thị trường tự do TP Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch quanh mức 36,25 – 36,45 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở quanh mức 36,32 – 36,42 triệu đồng/lượng. Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở quanh mức 36,31 – 36,41 triệu đồng/lượng.
Trong tuần, giá vàng chủ yếu điều chỉnh tăng – giảm trong biên độ 20.000 – 30.000 đồng/lượng. Đến phiên ngày 21/12, giá vàng thế giới tăng mạnh đến 17 USD/oz thì vàng SJC mới tăng 60.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, đến phiên cuối tuần, vàng SJC tiếp tục giảm nhẹ 40.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Thị trường TP Hồ Chí Minh lúc 17 giờ chiều 22/12 ở mức 36,24 – 36,42 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng SJC trên thị trường tự do TP Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch quanh mức 36,24 – 36,44 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán 180.000 – 200.000 đồng/lượng.
Tập đoàn Doji cùng thời điểm trên niêm yết giá vàng SJC ở quanh mức 36,29 – 36,39 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua, chênh lệch 100.000 đồng/lượng.
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở quanh mức 36,3 – 36,4 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Như vậy, vàng SJC trong tuần đã giảm nhẹ 10.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần, đi ngược chiều với xu hướng thế giới. Chính vì thế, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã giảm từ trên 1,6 triều đồng đầu tuần, xuống còn dưới 1 triệu đồng cuối tuần (vàng trong nước cao hơn).
Trong tuần, chỉ có vàng nhẫn tăng tốt. Nhẫn tròn trơn tăng từ 300.000 – 350.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Theo đánh giá của các DN, thị trường vàng trong nước biến động giá ở biên độ hẹp nên giao dịch không sôi nổi. Tỷ lệ mua vào vẫn chiếm ưu thế trên thị trường khoảng 60-65% tổng giao dịch.
Nhận định của chuyên gia, thị trường vàng trong nước vào dịp cuối năm thường ít sôi động, bởi dòng tiền chủ yếu được chuyển sang kinh doanh các sản phẩm hàng hóa sinh lời. Chuyên gia vẫn khuyến cáo, đây là thời điểm tốt để mua vàng vào.