Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng thế giới chịu sức ép từ đồng USD mạnh

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng thế giới đi ngang trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024 khi chịu áp lực từ sự phục hồi của đồng USD.

Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch ngày 2/1. Ảnh: fxempire.com
Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch ngày 2/1. Ảnh: fxempire.com

Theo Reuters, đà giảm của kim loại quý này không quá lớn khi giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ và lo ngại bất ổn leo thang ở Biển Đỏ.

Chốt phiên giao dịch ngày 2/1, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2,061.59 USD/ounce, sau khi tăng tới 0,8% ở đầu phiên. Giá vàng giao sau giảm 0,1%, xuống còn 2.070,30 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD - phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - cộng 0,8%, chứng kiến phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2023, được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn, làm vàng trở nên đắt đỏ đối với những người mua ở nước ngoài.

Tuy nhiên, chiến lược gia thị trường cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures nhận định khả năng leo thang căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới.

Giá vàng thế giới leo dốc 13% trong năm ngoái, ghi nhận năm tăng đầu tiên kể từ năm 2020. Trong năm 2023, giới chuyên gia đánh giá thị trường vàng thế giới sôi động khi giá giao dịch với biên độ lớn do tác động của nhiều yếu tố như lãi suất, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu trú ẩn tăng cao.

Ngày 4/12, kim loại quý chinh phục được mốc cao nhất mọi thời đại là 2.135 USD/ounce sau khi xô đổ mức kỷ lục 2.072 USD/ounce được lập vào tháng 8/2020. Giá vàng tăng kỷ lục do các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng Fed đã thành công trong cuộc chiến lạm phát thông qua chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ và bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024.

Trước đó, hồi đầu năm 2023, giá vàng từng tăng mạnh do khủng hoảng ngân hàng địa phương tại Mỹ. Đến tháng 10/2023, giá vàng giảm xuống gần mức 1.800 USD/ounce, song đã nhanh chóng tăng trở lại nhờ lực cầu trú ẩn an toàn từ cuộc xung đột Israel-Hamas.

Tuần này, thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, dự kiến công bố vào ngày 4/1. Dữ liệu về cơ hội việc làm của Mỹ và báo cáo việc làm tháng 12/2023, đều được công bố vào ngày 5/1, cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Giá vàng sẽ lập đỉnh mới trong năm 2024?

Giới phân tích dự báo giá vàng sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay nhờ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào quý I.

Chuyên gia phân tích thị trường Fawad Razaqzada tại City Index nhận định: “Chúng ta đã chứng kiến giá vàng tăng mạnh trong năm ngoái nhờ kỳ vọng Fed sớm nới lỏng chính sách. Do đó, chúng ta cũng có thể thấy mức tăng đáng kể trong năm 2024 khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu hạ lãi suất”.

Trong báo cáo mới nhất, BMI Research - một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Anh - cũng dự báo giá vàng sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2024, khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, đồng USD suy yếu và lãi suất được cắt giảm.

Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng những yếu tố như xung đột tại Trung Đông, bất ổn từ cuộc bầu cử tại các nền kinh tế lớn trong năm nay và nhu cầu mua dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương, sẽ kéo nhu cầu trú ẩn năm 2024 của kim loại quý tăng cao.

Ngân hàng Mỹ J.P. Morgan dự báo giá vàng sẽ tăng mạnh vào giữa năm 2024, có thể lên 2.300 USD nhờ kỳ vọng lãi suất giảm. Trong khi đó, ngân hàng UBS cho rằng giá vàng sẽ đạt 2.150 USD vào cuối năm nay nếu các nước thực sự giảm lãi suất.

Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường hiện đang định giá 86% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3.