Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Sửa luật để thu hút nguồn lực lao động trở về Sau 10 năm thực hiện Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chúng tôi thấy có rất nhiều vấn đề. Lao động được đưa đi, tức “đầu vào” có chuyên môn còn hạn chế, năng suất và thu nhập thấp. Công tác quản lý nhà nước, đào tạo của các DN tạo ra kẽ hở để cho một số người lợi dụng "cò mồi" làm cho NLĐ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chúng ta đưa lao động đi rất nhiều (mỗi năm 150.000 người), làm việc ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng khi về lại không tận dụng được nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, thu hút lao động trong nước. Cho nên chúng ta phải sửa luật để có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực hết sức quan trọng này. Bất kỳ quốc gia nào, họ đưa lao động có chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài để học tập kinh nghiệm. Chứ không phải NLĐ đi chỉ để kiếm tiền mang về xây dựng gia đình, quê hương, đất nước. Vấn đề quan trọng là học tập kinh nghiệm của các nước để hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển khoa học kỹ thuật. |
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu: Làm việc trong nước, lương thấp hơn nhưng được gần nhà Để NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi hết hạn hợp đồng trở về nước thì phải làm tốt công tác tuyên truyền; giúp họ nắm được thông tin vẫn có thể đăng ký thi tuyển đi tiếp, chứ không phải chỉ được phép đi XKLĐ một lần. Khi NLĐ không muốn đi XKLĐ nữa, chúng ta cố gắng tạo những cơ hội công việc với mức lương tương xứng với trình độ tay nghề và tác phong, kỷ luật làm việc của họ. Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức các phiên giao dịch chuyên đề dành cho NLĐ EPS. Thế nhưng nhiều NLĐ có mức lương cao khi làm việc ở Hàn Quốc lại chê, không ứng tuyển. Khi làm việc trong nước, NLĐ có mức lương thấp hơn nhưng được ở gần nhà, chi phí sinh hoạt rẻ hơn. NLĐ cũng nên hiểu, các DN nước ngoài khi sang Việt Nam đầu tư, tốn nhiều chi phí nên không thể trả lương cao như khi thuê lao động sang nước họ làm việc. |
Giải bài toán lao động cư trú bất hợp pháp
Kinhtedothi - Ngày 15/4, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Chí – Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội xoay quanh vấn đề tăng các mức xử phạt hành chính có đủ sức răn đe những hành vi vi phạm và giải pháp để người lao động (NLĐ) hết hạn hợp đồng trở về nước.
Thưa ông, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quy định mức phạt từ 80 - 100 triệu đồng đối với vi phạm của NLĐ, có ngăn được tình trạng cư trú bất hợp pháp?
- Nghị định 28 mang nhiều nội dung mới, thể hiện ở cả 3 lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Liên quan đến Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng, Nghị định 28 quy định các mức xử phạt hành chính tăng lên rất cao, kể cả những hành vi bổ sung. Theo tôi, mức phạt từ 80 – 100 triệu đồng đối với 3 hành vi (ở lại nước ngoài trái phép khi hết hạn hợp đồng lao động, bỏ trốn khỏi nơi làm việc không phải do bị cưỡng bức lao động, sau khi nhập cảnh nhưng không đến nơi làm việc theo hợp đồng và buộc phải về nước) đủ sức răn đe. Mức phạt tăng lên, NLĐ phải cân nhắc hành vi vi phạm, để lựa chọn hành động đúng. Tăng mức xử phạt có tác dụng nhất định nhưng khó loại bỏ hoàn toàn, bởi giải quyết câu chuyện này còn nhiều vấn đề khác liên quan cũng như phải có các biện pháp và đánh giá toàn diện dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Đối với DN bị phạt mức từ 180 – 200 triệu đồng có ngăn được hiện tượng lừa đảo NLĐ bị sập bẫy?
- Mức phạt tăng lên 180 – 200 triệu đồng (đối với hành vi sử dụng giấy phép của DN khác tổ chức đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cho tổ chức, cá nhân khác mượn giấy phép hoạt động phục vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tác dụng răn đe nhưng họ sẽ toan tính số tiền bị phạt so với lợi nhuận thu được. Nếu đưa NLĐ đi làm việc bất hợp pháp mà lợi nhuận đáng kể thì họ sẽ chấp nhận phạt tiền. Nhưng, xét ở khía cạnh xử phạt có tác dụng răn đe bởi mức phạt càng cao họ càng cân nhắc hành vi. Nghị định còn quy định thêm hình phạt bổ sung: Tạm đình chỉ xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong thời gian nhất định.
Mức phạt cao có sức răn đe tốt nhưng không triệt để với DN. Vì thế, cần phải có những giải pháp đi kèm như tước giấy phép kinh doanh, xử lý hình sự và các hình thức khác. Thực ra, vấn đề này cũng liên quan đến mối quan hệ quốc tế, các hiệp định thương mại... Nếu ở Việt Nam làm rất chặt nhưng ở nước thứ hai nới lỏng thì rất khó.
Sử dụng đồng tiền mang về sinh lời
Theo ông, cần có chính sách gì để thu hút lao động nước ngoài về nước?
- Thời gian qua, Hà Nội và các tỉnh, thành đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Nhưng đây chỉ là một vấn đề, chúng ta phải làm việc với địa phương để tạo điều kiện hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trở về khởi nghiệp, bởi đại bộ phận họ có nguồn tiền nhất định. Tôi muốn nhấn mạnh đến việc chính quyền địa phương tạo điều kiện, cơ hội cho họ tham gia, chứ không phải Nhà nước làm sẵn, bỏ tiền đầu tư. Nhà nước chỉ tạo điều kiện và cơ hội cho những người có điều kiện về tài chính để tự giải quyết việc làm cho họ.
Nhưng đa số những người đi XKLĐ đều dùng tiền kiếm được để xây nhà, mua sắm đồ đạc trong gia đình?
- Câu chuyện xây dựng nhà cửa không thể tránh khỏi ở Việt Nam. Họ xây nhà cửa, sắm sửa trong gia đình thể hiện sự thành đạt. Nhưng, chúng ta nên đặt vấn đề họ có tiền nhưng không biết làm gì. Họ cần phải có những dự án kinh doanh chẳng hạn. Để làm được điều đó, rất cần chính quyền tạo điều kiện về việc làm. Như tôi đã nói, chính những người đi lao động ở nước ngoài trở về phải có những nỗ lực. Chúng ta đã thấy, có rất nhiều người đi nước ngoài về Việt Nam đã rất thành công. Hiện nay có những tập đoàn lớn đứng hàng đầu trong khu vực tư nhân, xuất thân từ đầu tư nước ngoài về Việt Nam được tạo điều kiện, cơ hội. Nhưng không thể phủ nhận sự thành công là nhờ năng lực và nỗ lực của họ. Các thiết chế về mặt xã hội, đó là các hiệp hội của chính họ rất quan trọng để xử lý những vấn đề của chính họ. Nếu mỗi tỉnh, nhất là những địa phương có nhiều người đi làm việc ở nước ngoài có hiệp hội của các đối tượng này, chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề của họ. Và, bài toán lao động cư trú bất hợp pháp sẽ được giải.
Xin cảm ơn ông!