Mừng với những thành công mang tính đột phá, song nỗi lo cũng đầy ắp khi nhìn về phía nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Đã thiếu lại yếu
Từ khi bắt đầu thực hiện Chiến lược (năm 2011) đến nay, ngành du lịch đã có những thay đổi mang tính đột phá. Nổi bật là sự thay đổi trong nhận thức về du lịch. Gần như tất cả các địa phương đều xác định du lịch là ngành công nghiệp mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội để cải thiện đời sống người dân, nhất là các vùng khó khăn. Điều này được các chuyên gia du lịch đánh giá là “làn sóng thứ 2”, thể hiện sự biến chuyển về chất của du lịch Việt.
Cũng từ đó, việc xây dựng hạ tầng du lịch, tạo chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cải thiện thủ tục nhập cảnh… tạo “đòn bẩy” cho du lịch phát triển đã được quan tâm hơn. Thế nên, ngoái lại nhìn sau chặng đường 5 năm, du lịch đã "cán đích" bằng những con số đáng mừng: Tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt 5,7%/năm; khách nội địa đạt 16,3%/năm; tổng thu từ du lịch bình quân đạt 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số buồng lưu trú đạt gần 16%/năm; số lao động tăng trưởng bình quân 13,4%. Từ năm 2011 đến nay, số lượng các dự án có vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng tăng khá nhanh; hiện có khoảng hơn 1.000 dự án. Trong đó có thể kể tới khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc (17.000 tỷ đồng), Vinpearl Quy Nhơn (4.500 tỷ đồng), cáp treo Phú Quốc (10.000 tỷ đồng); cáp treo Bà Nà (6.000 tỷ đồng), cáp treo Mường Hoa - Phan Xi Păng (4.500 tỷ đồng)... Những dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược đã góp phần hình thành nên những sản phẩm du lịch có thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh cao và hấp dẫn du khách.
Mừng vì một số chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược đã đạt và vượt, thậm chí về trước một năm (như lượng khách, tổng thu từ du lịch…), song Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn lại lo lắng bởi chỉ tiêu về lao động trực tiếp chưa đạt yêu cầu. Mục tiêu mà Chiến lược đề ra là đến năm 2015 tạo ra 2,2 triệu việc làm, trong đó có 620.000 lao động trực tiếp. Nhưng trên thực tế, đến hết năm 2015, ngành du lịch mới có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó có khoảng 550.000 lao động trực tiếp. Không những thiếu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực quản lý Nhà nước còn mỏng (chỉ chiếm khoảng 1,9% so với nhân lực kinh doanh du lịch), do vậy hiệu quả điều hành, giám sát hoạt động ở nhiều địa phương, nhiều khu, điểm du lịch còn thấp. Tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn, số lao động sử dụng thành thạo từ 2 ngoại ngữ trở lên cũng rất ít.
Muộn còn hơn không
Không lo sao được, khi mà chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố nền tảng để phát triển du lịch bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính vì sự tụt hậu của nguồn nhân lực so với yêu cầu phát triển của ngành du lịch nên năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn thấp và chưa có nhiều chuyển biến (xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines), mức tăng hạng cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các nước lân cận (năm 2014, Việt Nam tăng 5 bậc nhưng Malaysia tăng 9 bậc, Thái Lan tăng 8 bậc, Indonesia tăng 20 bậc, Philippines tăng 8 bậc…). Đáng buồn hơn, tình trạng “chèo kéo”, “chặt chém” khách, hay “phá giá” dịch vụ; vấn nạn xâm hại môi trường và tài nguyên du lịch… vẫn diễn ra tại nhiều điểm du lịch.
Không phải đến khi thực hiện Chiến lược, câu chuyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhằm đáp ứng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế mới được đề cập tới. Vấn đề này từng được bàn luận rôm rả từ năm 2006, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngay tại thời điểm đó, tưởng chừng đây là câu chuyện đường dài đối với du lịch Việt Nam, nhưng thực tế như các chuyên gia so sánh là “nước đã đến chân". Bởi ở các nước có ngành du lịch phát triển, chất lượng, số lượng nguồn nhân lực luôn đi trước một bước. Còn tại Việt Nam, câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực mới chỉ được lưu tâm là quá muộn, nhưng thà muộn còn hơn không. Đây là vấn đề cần chú trọng hơn nữa trong các giai đoạn tiếp theo để thực hiện thành công Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu lịch sử chùa Trấn Quốc cho khách nước ngoài. Ảnh: Công Hùng
|
Khu du lịch Bà Nà Hill.
Nhằm phát huy vai trò đầu tàu, năm 2016 và những năm tới, Hà Nội sẽ chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực. Trước hết, Sở Du lịch sẽ tạo điều kiện xã hội hóa trong đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch. Đồng thời, thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng
Hiện có rất nhiều trường đào tạo nhân lực, cán bộ cho ngành du lịch, nhưng đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một trường đại học du lịch riêng. Nên chăng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể nâng cấp trường Cao đẳng Du lịch lên thành đại học để đào tạo cán bộ có kỹ năng bài bản, trình độ chuyên sâu, tư duy quản lý tốt, có tầm nhìn… để du lịch phát triển ngày càng chuyên nghiệp. Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang Phạm Thế Triều
Để phát triển và tăng khả năng cạnh tranh, Tập đoàn Mường Thanh đã tự đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu của đơn vị. Chúng tôi có hẳn một chiến lược về phát triển con người. Tập đoàn hiện có hệ thống gồm 35 khách sạn đã đưa vào sử dụng cùng với khoảng 10 khách sạn sẽ khai trương trong 2 năm tới, trong đó có cả ở Viêng Chăn (Lào). Sự phát triển “nóng” ấy khiến Mường Thanh càng phải chú trọng đến yếu tố con người để đáp ứng yêu cầu công việc. Bởi vậy, Tập đoàn đã đào tạo tại chỗ, đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh Trần Ngọc Lương
|