Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán nhập siêu từ thị trường Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhập siêu đã tái xuất hiện trong các số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2013, điều đó cho thấy hoạt động sản xuất đã phần nào được hồi phục. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu nhập khẩu (NK) cho thấy, hiện DN trong nước đang lệ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên, vật liệu nhập từ thị trường châu Á, nhất là từ Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, quý I/2013, kim ngạch NK từ Trung Quốc đạt 7,6 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch NK của cả nước. Bên cạnh nguyên nhân ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển, không đủ đáp ứng các ngành sản xuất trong nước còn có nguyên nhân hàng XK của Việt Nam vào thị trường này đang giảm mạnh trong những năm gần đây.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá, nhập siêu quá nhiều từ một thị trường không chỉ dẫn đến nguy cơ bị phụ thuộc nguyên liệu mà vô hình chung còn trở thành cầu nối XK các mặt hàng có thế mạnh của Trung Quốc vào các thị trường khác. Tại kỳ họp thứ 8 về hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc hôm 22/4 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản, tạo điều kiện cho hàng nông, thủy sản Việt Nam đẩy mạnh XK vào Trung Quốc, biên bản này đã góp phần cân bằng cán cân thương mại.

Bên cạnh đó, ông Đào Ngọc Chương - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á  - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Việt Nam khuyến khích DN Trung Quốc đầu tư xây dựng tại Việt Nam các khu công nghiệp phụ trợ chuyên sản xuất nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp và nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp gia công xuất khẩu. "Với các bước đi và biện pháp trên, thâm hụt trong cán cân thương mại hai nước dự đoán sẽ dần được cải thiện trong thời gian tới" - ông Chương bày tỏ hy vọng.

Nhằm giải quyết cơ bản tình trạng nhập siêu từ một vài thị trường, Chính phủ cũng đã sửa đổi, điều chỉnh Luật Đầu tư từ đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất đầu vào cho ngành công nghiệp như: Lọc hóa dầu, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng… cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ gia công XK và nâng cao giá trị hàng XK Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ thị trường, giúp DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, như thay đổi quy chế về đấu thầu theo hướng không chỉ nhìn vào giá mà nhìn vào hiệu quả lâu dài mà dự án mang lại. 

Tuy nhiên, trong dài hạn, Bộ Công Thương nên có những chính sách khuyến khích DN đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ theo hướng phát triển các chuỗi giá trị khi sản phẩm đầu ra của DN này sẽ là đầu vào của DN khác. Từ đó, các DN sẽ bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại và có cơ hội trở thành nhà cung cấp linh kiện cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó tiếp thu chuyển giao công nghệ ngay ở trong nước.