Bộ LĐTB&XH vừa công bố, quý II/2016, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc nhóm cao đẳng (CĐ) chuyên nghiệp là 6,6%, CĐ nghề cũng tới 3,66%. Tại sao lại có tình trạng này trong khi chúng ta đang “thiếu thợ”, thưa bà? - Tôi không biết người ta thực hiện điều tra theo nhóm hay cụm để có số liệu đó, bởi tốt nghiệp CĐ nghề mà thất nghiệp thì thật khó hiểu. Người học đại học (ĐH) không tìm được việc là bởi chuyên ngành đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội cần. Để không bị thất nghiệp, nhiều người chấp nhận làm nghề trái với ngành đã học. Tôi muốn nói đến quan niệm về thất nghiệp không sát với quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Một số cử nhân đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhờ hỗ trợ tìm việc, nhưng khi chúng tôi chắp nối với đơn vị tuyển dụng để đến phỏng vấn thì được biết họ đang đi làm. Các bạn ấy cho rằng, công việc không đúng chuyên ngành học thì có việc cũng như không. Trong khi đó, ILO quy định chỉ cần có việc làm theo số giờ và tuần trong tháng cộng với thu nhập được coi là có việc. Điều bà nói có lý, bởi một số trường CĐ, ngay trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp đã có nhiều DN đến tuyển dụng. Vậy mà có trường CĐ lại không tuyển sinh được? - Theo tôi tìm hiểu, có một số trường được DN đặt hàng tuyển dụng ngay khi khai giảng khóa đào tạo. Với những trường không tuyển sinh được, có thể do nhu cầu thực tế không cần nhân lực ngành trường đào tạo. Thứ nữa, chương trình đào tạo không đáp ứng được yêu cầu sản xuất tại DN. Ví dụ, nội dung lý thuyết máy móc từ những năm 1960, trong khi trang thiết bị phục vụ cho sản xuất ở DN mới được nhập khẩu. Vì thế lý thuyết trong trường và thực tế sản xuất của DN không kết nối được với nhau, dẫn đến sản phẩm đầu ra không được thị trường chấp nhận. DN thì không đủ sức đào tạo lại vì mất thời gian và chi phí. Hiện nay, thanh niên thành thị thất nghiệp nhiều nhất. Làm sao giải được bài toán này? - Để có việc làm, người lao động phải tiết giảm mong muốn về mức lương của mình cũng như điều kiện làm việc. Không phải ai cũng được làm công việc trong phòng điều hòa, giờ hành chính. Bản thân chủ DN cũng phải chạy đôn đáo, giao dịch chỗ nọ chỗ kia để tìm kiếm, ký kết hợp đồng sản xuất. Một thực tế là mỗi phiên giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thường có 300 – 500 – 700 chỉ tiêu tuyển dụng, nhưng người lao động không thấy hài lòng về các điều kiện nên từ chối cơ hội việc làm. Tôi chỉ khuyên mọi người chấp nhận làm công việc vất vả, mức lương lúc đầu có thể chưa được như ý nhưng sau một thời gian thử thách nếu làm tốt, thu nhập sẽ tăng lên.
Để dung hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động, các cán bộ Trung tâm đã tư vấn ngược lại với DN. Ít nhất DN đáp ứng mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định là 3,5 triệu đồng cộng thêm 7% cho những người được đào tạo. Ngoài ra, DN yêu cầu ở mức vừa phải, chẳng hạn, tuyển dụng lao động làm công việc sản xuất đơn thuần, không giao tiếp với DN nước ngoài thì bỏ yêu cầu về trình độ ngoại ngữ… Nếu cả hai bên không giảm yêu cầu dẫn đến DN không tuyển dụng được, người lao động mãi chưa có việc làm. Vậy với 191.000 lao động trình độ cử nhân trở lên bị thất nghiệp thì sao? - Như tôi đã nói, mọi người nên thay đổi tư tưởng một chút. Những người chưa tìm được việc đúng ngành, thì cũng nên làm công việc trái ngành mà mình đáp ứng được. Các bạn cũng có thể vừa tìm việc, vừa học thêm để nâng cao trình độ, lưu ý là việc gì xã hội đang cần thì học thêm ngành đó. Học ĐH xong quay trở lại học nghề cũng không sao, khi chỉ tiêu tuyển dụng lao động trình độ trung cấp nghề đang nhiều, đồng nghĩa với tốt nghiệp có việc làm ngay. Xin cảm ơn bà!
Một buổi phỏng vấn tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |