Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán xúc tiến quảng bá du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân sách Nhà nước đầu tư cho xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế là lý do chính hoạt động này không mang lại kết quả như mong đợi.

Vì thế, trong cuộc họp bàn giữa Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp du lịch mới đây, rất nhiều người cho rằng lời giải của bài toán này nằm chủ yếu ở "khâu" xã hội hóa.

Xã hội hóa tối đa

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường than phiền, kinh phí Nhà nước đầu tư cho xúc tiến quảng bá điểm đến quá khiêm tốn. Mỗi năm chỉ 5 triệu USD, bằng 1/20 mức đầu tư của Singapore, bằng 1/40, thậm chí 1/100 của các nước phát triển khác.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, điều quan trọng là phải biết kết hợp tiềm năng của cộng đồng, vùng miền để khai thác việc đóng góp nâng cao hiệu quả xúc tiến của doanh nghiệp với địa phương, với vùng miền và quốc gia.

Để giải bài toán kinh phí xúc tiến quảng bá điểm đến, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành và khách sạn hàng đầu Việt Nam cho rằng cần xã hội hóa một cách tối đa. Với nhiều quốc gia, ngân sách giống như "chim mồi", các doanh nghiệp được hưởng lợi từ du lịch phải có trách nhiệm trích lợi nhuận để quảng bá. "Chúng tôi sẵn sàng tham gia đóng góp kinh phí, nhưng chúng tôi muốn biết cụ thể chương trình quảng bá ra sao, hiệu quả đến đâu. Hiện chúng ta chưa có chương trình hành động cụ thể, quảng bá vẫn mang tính hình thức, nên không hiệu quả" - ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hà Nội Red Tours cho hay.

 
Khách du lịch nước ngoài nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Trần Dũng
Khách du lịch nước ngoài nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Trần Dũng
Một giải pháp được đưa ra là xã hội hóa Nhà nước và nhân dân cùng làm bằng việc doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trích một số tiền nhất định (khoảng 1USD/đêm lưu trú đối với khách quốc tế) để xây dựng quỹ xúc tiến quảng bá. Tuy nhiên, trước khi triển khai cần lấy ý kiến rộng rãi và có kế hoạch cụ thể quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.

Quảng bá theo vùng

Không ít chuyên gia giữ quan điểm, cho dù xã hội hóa chi phí quảng bá xúc tiến du lịch, song nếu vẫn giữ cách làm cũ cũng không thể mang lại hiệu quả cao. Do vậy, trước khi tham gia xúc tiến tại các hội chợ du lịch quốc tế hay các road show, ngành du lịch Việt cần xây dựng sớm kế hoạch tổng thể về tiếp thị, quảng bá hình ảnh để có thể triển khai ngay từ đầu năm 2014 cũng như năm 2015. "Cái lợi" của hoạt động du lịch là liên ngành, liên vùng, nên không nhất thiết tỉnh nào cũng phải chú trọng việc quảng bá. Việc quảng bá cũng phải được thực hiện theo vùng và khách hàng trọng điểm. Các địa phương được hưởng lợi và các doanh nghiệp tham gia bán tour cho vùng sẽ phải đóng góp kinh phí theo quy định để có nguồn quỹ chi phí cho quảng bá. Tất nhiên, kịch bản quảng bá phải là tổng thể thống nhất thay vì Hà Nội đi xúc tiến một kiểu, Quảng Ninh một kiểu trong khi khách đến Hạ Long nhất thiết phải đi qua và tham quan Hà Nội. Hành trình làm tour chuẩn cũng là công việc tối quan trọng trong việc xúc tiến quảng bá này.

Một việc quan trọng không kém là hoạt động quảng bá du lịch phải tạo ra được sức mạnh của ngành bằng liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, giữa lữ hành với lưu trú và vận chuyển, dịch vụ vui chơi giải trí để có sản phẩm du lịch có giá chung. Để từ đó khai thác, xây dựng và bán sản phẩm một cách tốt nhất trên thị trường khách quốc tế. "Qua sự liên kết này đòi hỏi có chương trình chung của ngành du lịch để có sự kết hợp của các doanh nghiệp lữ hành" - ông Võ Anh Tài - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist bày tỏ.

Tuy nhiên, dù có xã hội hóa, có kịch bản tổng thể thống nhất, thái độ thân thiện của người dân với du khách quốc tế vẫn là điều không thể thiếu làm cho sản phẩm du lịch trở nên hoàn hảo. Yếu tố này sẽ được "trợ lực" khi cơ quan cấp địa phương tổ chức các chương trình bồi dưỡng về cách giao tiếp với du khách cho đội ngũ người làm du lịch.