Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải cứu!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, việc Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và Ấn Độ - quốc gia mới nổi năng động nhất ban hành những quyết định mang tính bước ngoặt đã đem lại niềm hy vọng giải cứu kinh tế thế giới cho các nhà đầu tư.

Sau nhiều đồn đoán, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hôm 13/9 đã quyết định tung ra gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) và ngay lập tức đem lại luồng sinh khí mới cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng quyết sách trên của FED mang nặng tính chính trị hơn là nhằm đạt được hiệu quả thực sự về mặt kinh tế.
 
Ngay trong thông cáo báo chí, Chủ tịch FED - ông Ben Bernanke cũng khẳng định, QE3 không phải là liều thuốc thần kỳ có thể chữa được mọi căn bệnh đang phát tác của nền kinh tế. Sau 2 năm "án binh bất động", FED đã phải hành động trước thực trạng èo uột của thị trường lao động - vốn đang trở thành yếu điểm trong nỗ lực trở thành ông chủ Nhà Trắng lần thứ 2 của đương kim Tổng thống Barack Obama.
 
 
Giải cứu! - Ảnh 1

Thị trường chứng khoán Phố Wall tăng vọt sau khi FED đưa ra gói kích thích kinh tế.

 
Tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức trên 8% nhiều tháng liên tiếp đã trở thành công cụ để các đối thủ của đảng Cộng hòa sử dụng nhằm minh họa cho sự yếu kém trong điều hành kinh tế của ông Obama. Vì thế, việc mỗi tháng FED tung 40 tỷ USD mua các khoản nợ thế chấp sẽ kích thích chi tiêu tiêu dùng, tạo điều kiện cho các công ty tuyển thêm công nhân, nhằm giúp ông Obama cải thiện thị trường việc làm. Tuy nhiên, QE3 - món quà mà FED hào phóng tặng cho đương kim Tổng thống rất có thể sẽ biến thành con dao hai lưỡi, tạo nên những bi kịch cho kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung. Lo ngại trước nguy cơ do QE3 có thể mang lại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, hãng Egan-Jones đã ngay lập tức hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AA xuống AA-.

Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ hôm 14/9 đã ban hành một quyết định mang tính bước ngoặt để thu hút đầu tư nước ngoài khi mở cửa hàng loạt lĩnh vực kinh tế then chốt, bao gồm bán lẻ, năng lượng và hàng không. Quyết định trên của Chính phủ Ấn Độ được cho là để khôi phục đà tăng trưởng đang trở nên ảm đạm của nền kinh tế mới nổi năng động bậc nhất thế giới.
 
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng, quyết sách kinh tế này còn được ban hành nhằm mục đích "giải cứu" uy tín chính trị của chính quyền. Theo đó, kế hoạch cải cách quan trọng này vừa chuyển hướng sự chú ý của người dân khỏi những vụ bê bối của các quan chức cao cấp vừa giúp Thủ tướng Manmohan Singh phục hồi tín nhiệm đã bị mất trong thời gian qua. Đây cũng được coi là canh bạc cuối cùng của Chính phủ đương nhiệm nhằm giúp kinh tế hồi phục và giành lại ưu thế từ các đối thủ cạnh tranh trước khi tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2014.