Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giai đoạn 2011- 2020: Thu từ đất đai có thể đạt 700.000 tỷ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2174/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 – 2020.

Mục tiêu đầu tiên của Đề án này là đổi mới, hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, Nhà nước chủ động điều tiết giá đất trong thị trường bằng quan hệ cung - cầu; bảo đảm xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của nhà nước.

Trong giai đoạn từ 2011- 2020, tổng thu ngân sách Nhà nước về đất đai dự báo đạt 700.000 tỷ đồng, bình quân thu hàng năm đạt 70.000 tỷ đồng.

Về mục tiêu khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản Nhà nước, Đề án phấn đấu đến năm 2018, hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên phạm vi cả nước (bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty).

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số tiền thu được từ việc bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà đất dôi dư theo hình thức đấu giá, xử lý quỹ nhà, đất gắn với tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước dự báo đạt khoảng 100.000 tỳ đồng.

Đề án cũng phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Số tiền thu được từ việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bán, chuyển nhượng cơ sở nhà, đất (cũ) dự báo đạt khoảng 18.000 tỷ đồng.

Về khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản kết cấu hạ tầng, mục tiêu hướng tới là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; thu hút khu vực tư nhân đầu tư vốn để xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, ngân sách Nhà nước giảm bớt chi do thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng bình quân khoảng 42.000 tỷ/năm.

Cùng với đó, việc điều tiết giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng đất đem lại cũng sẽ được điều tiết một cách hợp lý.

Trước mắt, cơ chế, quy định của pháp luật sẽ được hoàn thiện và triển khai thực hiện triệt để phương thức khai thác quỹ đất hai bên đường khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Dự báo số thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường bình quân đến năm 2020 khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Đề án cũng nêu rõ những giải pháp chủ yếu.

Đối với nhóm giải pháp về tài chính đất đai, tiếp tục đổi mới chính sách tài chính về đất đai theo hướng Nhà nước chủ động điều tiết giá đất trong thị trường bằng quan hệ cung - cầu; bảo đảm xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất; thu hẹp đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất...

Đối với  nhóm giải pháp khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản Nhà nước, phân định rõ quyền và trách nhiệm về quản lý, sử dụng tài sản giữa cơ quan Nhà nước với đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, đối với những cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch phải thực hiện di dời; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm sớm hoàn chỉnh và công bố công khai quy hoạch để có cơ sở triển khai thực hiện; tạo nên quỹ nhà, đất dôi dư để bố trí, sử dụng theo quy hoạch của địa phương...

Trong Quyết định phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Đề án này.