Với Khung đối tác mới này WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình, thúc đẩy tăng trưởng năng suất, bền vững về mặt môi trường.
“Việt Nam đang phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa – bao gồm đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao hơn, và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam chính là minh chứng cho thấy quyết tâm đạt thành tích cao nhất, nhưng muốn đạt được kết quả như vậy đòi hỏi phải tinh chỉnh cả phương pháp và công tác triển khai,” ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam nói. “Nhóm Ngân hàng Thế giới vinh dự sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình thành công và tạo tiền đề trở thành một nước thu nhập cao.”
Theo ông Ousmane Dione, trong giai đoạn thực hiện khung đối tác quốc gia tới WB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo tác động mang tầm chiến lược. Mục tiêu chính là thức đẩy tăng trưởng, bền vững về mặt môi trường.
Theo Khung đối tác hợp tác, WB tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm và 11 mục tiêu. Đó là: Tạo điều kiện tăng trưởng hòa nhập và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. Ở lĩnh vực này, tập trung hoàn thiện quản trị kinh tế và thể chế thị trường, Phát triển kinh tế tư nhân và DN nông nghiệp. Tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại trong vận tải đa phương thức dịch vụ logistics. Hoàn thiện quy hoạch quản lý xây dựng hạ tầng và dịch vụ đất đai đô thị; Lĩnh vực 2: Đầu tư vào con người và tri thức trong đó tăng cường dịch vụ y tế công và tư nhân, nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội và bảo hiểm y tế, chất lượng giáo dục sau phổ thông và thị trường lao động; Lĩnh vực 3: Bảo đảm tính bền vững và sức đề kháng của môi trường: bao gồm năng lượng điện tái tạo, tăng cường tiết kiệm điện, tăng khả năng đề kháng trước biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và an ninh nước.
Về nguồn vốn, vốn mới sẽ tập trung tài trợ Kế hoạch đầu tư trung hạn của Chính phủ. Việt Nam sẽ được vay vốn hỗ trợ chuyển tiếp IDA (theo điều kiện giống như IBRD – quy trình cho vay lại) là 2,2 tỷ USD giai đoạn 2018-2020. Dự kiến vốn IBRD giai đoạn này là 1,88 tỷ USD. “Chúng tôi sẽ huy động tất cả các thể chế, các đối tác và các công cụ sẵn có nhằm tạo đa dạng nguồn vốn, chuyển biến chiến lược như cho vay, đối thoại chính sách, phân tích và tư vấn, hay bảo lãnh,” đại diện WB nói.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ: Sau 24 năm Việt Nam nối lại WB, mối quan hệ ngày càng được tăng cường phát triển mạnh mẽ là đối tác hàng đầu trong quá trình phát triển của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một nước có nước thu nhập trung bình, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của WB. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức về sự tụt hậu nếu không đi thật nhanh trong một thế giới biến đổi không ngừng, thách thức về bẫy thu nhập trung bình, về CNTT, thách thức biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế nếu không tăng cường năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để biến thách thức thành cơ hội phải tự tạo ra được các cơ hội mới. Để vượt qua được, Việt Nam vẫn đang kiên định tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trường hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Việt Nam đang phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa, bao gồm đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bền vững về môi trường. Hy vọng giai đoạn 2017-2022 WB sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng, giúp Việt Nam chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn.