Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Giải mã” làn sóng người Việt Nam đi du lịch Nhật Bản

Hồ Hạ thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2012 đến 2017, du khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản tăng gấp 6 lần từ 55.000 lên 308.900 lượt du khách. Mong muốn giải mã hiện tượng này và gợi mở những ý tưởng hay cho công tác quảng bá, xúc tiến của du lịch Việt, phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã có cuộc trò chuyện với ông Takahashi Ayumi – Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam.

Nới lỏng chính sách visa
Xin ông bật mí những yếu tố góp phần tạo nên “làn sóng” người Việt Nam đi du lịch Nhật Bản trong những năm gần đây?
- 5 năm gần đây, lượng khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản đã tăng gấp 6 lần, từ 55.000 lượt năm 2012 lên 308.900 lượt năm 2017, trung bình tăng trưởng 41,4%. Đây là con số kỷ lục đối với một thị trường Đông Nam Á. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự tăng trưởng mạnh này, lý do đầu tiên là vì Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng chính sách visa cho công dân Việt Nam.
 Ông Takahashi Ayumi – Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam. 
Cụ thể, từ ngày 20/11/2014, Nhật Bản bắt đầu áp dụng chế độ xin cấp visa một lần với thủ tục đơn giản cho công dân Việt Nam đi du lịch Nhật Bản có sử dụng tour du lịch trọn gói của 55 công ty du lịch Việt Nam được Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam hay Tổng Lãnh Sự Quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh chỉ định. Theo đó, một phần các giấy tờ cần thiết mà người xin cấp visa phải chuẩn bị từ trước đến nay (giấy tờ chứng minh khả năng chi trả kinh phí cho chuyến đi...) được lược bỏ. Và nhằm nâng cao vượt bậc tính tiện lợi đối với người xin cấp visa sinh sống ở vùng sâu vùng xa và nâng cao chất lượng phục vụ công dân Việt Nam, từ ngày 15/12/2016, Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam triển khai chế độ tiếp nhận hồ sơ xin cấp visa nhập cảnh Nhật Bản tại cả các quầy tiếp nhận của đại lý nhận ủy thác trong lãnh thổ Việt Nam.
Mặt khác, có khoảng 70 - 80% du khách Việt Nam sang Nhật Bản qua hình thức mua tour. Bởi thế, chúng tôi đã cùng các doanh nghiệp hai bên nỗ lực rất nhiều để giảm giá tour từ khoảng 2.000 USD xuống 1.000 USD. Cùng với đó, các hãng lữ hành ngày càng khai thác nhiều hơn chuyến charter (thuê nguyên chuyến bay) với giá thành rẻ hơn tour thông thường khởi hành từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đến Nhật Bản.
Khoảng 60-70% lượng khách Việt Nam đến Nhật được ghi nhận là khách du lịch lần đầu tiên, họ thường đi đúng mùa hoa anh đào vào tháng 4 với hành trình vàng: Tokyo - Osaka – Kyoto. Nhưng, ngày càng có nhiều tour, tuyến mới như ngắm hoa anh đào nở sớm vào cuối tháng 2, hay tour hoa anh đào nở muộn cuối tháng 4, đầu tháng 5. Một địa điểm khác nữa là Hokkaido ở phía Bắc Nhật Bản với những vườn hoa tuyệt đẹp, thiên nhiên hùng vĩ và đồ ăn ngon cũng hấp dẫn không chỉ du khách lần đầu đến Nhật Bản mà cả du khách đến lần thứ 2, thứ 3... Ngoài ra, năm ngoái các tour khen thưởng đưa khách Việt Nam sang Nhật Bản cũng gia tăng đáng kể. Đặc biệt, Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO) chính thức mở văn phòng đại diện vào ngày 28/3/2017  cũng đã triển khai rất nhiều chiến dịch xúc tiến du lịch. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên sự thành công của du lịch Nhật Bản thời gian qua.
Với vai trò là cơ quan xúc tiến du lịch tại Việt Nam, JNTO đã và đang làm gì để thu hút du khách Việt Nam tới Nhật Bản?
- Văn phòng JNTO chính thức thành lập ở Hà Nội được 1 năm. Chúng tôi có rất nhiều hoạt động xúc tiến. Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2017 là bổ nhiệm chính thức Đại sứ thiện chí du lịch Nhật Bản tại Việt Nam cho ca sĩ Noo Phước Thịnh. Trước đó, từ năm 2014, chúng tôi đã hỗ trợ và hợp tác với Noo Phước Thịnh sản xuất các video, phim ca nhạc quay tại Nhật Bản để giới thiệu cho người xem.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, JNTO chia làm 2 mảng để quảng bá và xúc tiến gồm: “B to B” và “B to C”. “B to B” là các hình thức tiếp thị đến các đối tác là doanh nghiệp. Chúng tôi tổ chức các đoàn khảo sát cho các hãng lữ hành đến thăm Nhật Bản, tìm hiểu về các địa điểm, sau đó họ sẽ thiết kế tour cho khách hàng. Chúng tôi còn tổ chức các cuộc gặp mặt, kết nối các công ty du lịch ở Việt Nam với phía các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn Nhật Bản tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Mảng “B to C” là tiếp thị đến người tiêu dùng, các khách hàng trực tiếp. Chúng tôi chạy Facebook và website “Cảm nhận Nhật Bản” cung cấp những thông tin hữu ích về du lịch Nhật Bản đến với khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi còn có các phần quà cho du khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản qua các hãng lữ hành.
Quảng bá càng cụ thể càng hiệu quả
Ông đánh giá thế nào về chất lượng, sản phẩm dịch vụ của du lịch Việt Nam hiện nay, khi một số điểm đến như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng siêu sang, các khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế... của các Tập đoàn lớn như Sungroup, Vingroup?
- Với tư cách cá nhân đã sống và làm việc ở Việt Nam 4 năm, tôi có một số nhận xét riêng của mình. Đối với tôi, Vingroup và Sungroup là những tập đoàn rất lớn, họ đang có mang lưới cung cấp dịch vụ rất tốt, cao cấp. Có thể, điều đó sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu đi du lịch trong nước của người Việt Nam. Nhưng, mỗi du khách Nhật Bản khi đến Việt Nam, điều mà họ muốn là cảm nhận được hương vị đậm chất Việt Nam chứ không phải là những thứ hiện đại như ở đất nước của họ. Tôi hy vọng khi đầu tư cho du lịch, các bạn sẽ gắn liền với sự bền vững, tức là giữ được nét đẹp văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của mình. Còn nếu phát triển lại gây nên ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan thì chắc chắn du khách sẽ quay lưng.
“Giải mã” làn sóng người Việt Nam đi du lịch Nhật Bản - Ảnh 2
 Những du khách Việt Nam đến Nhật Bản lần đầu thường chọn tour ngắm hoa anh đào.
Gần đây, tôi cũng đã đi thăm rất nhiều địa điểm quanh Hà Nội như Thác Bản Giốc (Cao Bằng) hay Mai Châu (Hòa Bình). Ở đây, tôi thích ở homestay, ở nhà sàn với đồng bào, trải nghiệm đạp xe, ngắm khung cảnh thiên nhiên. Đó là những trải nghiệm đậm chất truyền thống của Việt Nam mà người Nhật rất thích nên không nhất thiết phải có nhiều sự đầu tư về cơ sở vật chất hay hạ tầng ở đây.
Theo ông, Việt Nam nên quảng bá những sản phẩm nào cho du khách Nhật Bản và thế giới?
- Cũng giống Nhật Bản, Việt Nam có địa hình trải dài từ Bắc vào Nam, nên có sự đa dạng, phong phú về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực. Các bạn nên đẩy mạnh quảng bá thế mạnh đó và càng cụ thể, chi tiết càng tốt vì khách nước ngoài không chỉ đến 1 lần, họ có thể quay trở lại nhiều lần để khám phá các vùng, miền khác nhau. Thực tế là dù đã ở đây 4 năm nhưng vẫn còn rất nhiều điểm tôi muốn được trải nghiệm. Đặc biệt, cá nhân tôi cảm thấy đồ ăn của Việt Nam không chỉ phong phú mà còn ngon nhất trên thế giới và các bạn nên tận dụng lợi thế đó khi quảng bá du lịch. Mặt khác, xu hướng đi du lịch tự túc ngày càng được nhiều du khách lựa chọn nên nhiệm vụ của ngành du lịch là càng đưa ra được nhiều lựa chọn càng tốt.
Tăng cường giao lưu du lịch Việt – Nhật
Rất nhiều chuyên gia du lịch cũng nhận định ẩm thực Việt Nam quá tuyệt vời, ông có gợi ý nào để các món ăn Việt Nam đến gần hơn với du khách Nhật Bản nói riêng, khách quốc tế nói chung?
- Tôi tin rằng du khách Nhật Bản rất yêu thích đồ ăn Việt Nam. Ở Nhật, các nhà hàng ăn của Việt Nam có mặt khắp mọi nơi. Tôi cũng muốn nhấn mạnh hơn về các loại phở, mì, miến. Phở vốn là món ăn rất nổi tiếng của Việt Nam trên thế giới, nhưng thực ra, Việt Nam có rất nhiều loại mì, bún, miến khác nhau và đặc trưng cho từng vùng miền. Ở Hà Nội có Bún Thang, Bún Chả; miền Trung có Bún bò Huế, mì Quảng, cao lầu; miền Nam có hủ tiếu... Có một ý tưởng nho nhỏ là Việt Nam có thể làm bản đồ địa điểm thưởng thức các món phở, bún, mì, miến ở Việt Nam để giới thiệu cho du khách Nhật Bản. Hoặc các bạn cũng có thể xây dựng bản đồ du lịch ẩm thực Việt Nam cho du khách quốc tế. Đây là những thông tin rất cụ thể, chi tiết, hữu ích cho người đi du lịch tự túc.
Theo ông, làm thế nào để Việt Nam thu hút du khách Nhật Bản hiệu quả nhất?
- Khách Nhật Bản lần đầu đến Việt Nam thường chọn những địa điểm rất nổi tiếng như: Hà Nội – Hạ Long – Huế - Đà Nẵng – Hội An – TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Đà Nẵng hiện đang là điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách Nhật Bản. Thường thì, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam là lần đầu tiên, thời gian khoảng 3 – 4 ngày. Vì thế, họ không thể đi được quá nhiều địa điểm nên có chuyến bay thẳng là điều quan trọng.
Mặt khác, năm 2017, ước tính có khoảng 17.000 người Nhật Bản đang sống tại Việt Nam. Khi du lịch bất cứ điểm đến nào ở Việt Nam, họ sẽ chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các trang mạng xã hội. Đó là cách họ giới thiệu cho bạn bè, người thân của mình những điểm du lịch hấp dẫn và quảng bá hiệu quả cho du lịch Việt Nam.
Với tư cách là một người Nhật Bản sống và làm việc ở Việt Nam tôi cảm thấy rất yêu quý đất nước này. Tuy tôi không phải một đại sứ ảnh hưởng như Noo  Phước Thịnh, nhưng tôi sẽ cố gắng gới thiệu cho gia đình, bạn bè vẻ đẹp Việt Nam. Văn phòng JNTO cũng có 2 vị phó đại diện là người Nhật Bản, đây là lần đầu tiên họ đến Việt Nam và đã rất yêu thích nơi này. Cùng với đó, tôi cũng nhấn mạnh là công tác quảng bá phải thực hiện càng cụ thể, chi tiết, tập trung đến từng thị trường, đối tượng càng đạt hiệu quả cao.
Năm 2018 đánh dấu mốc 45 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Đây là mối quan hệ đáng quý và hiếm thấy ở các quốc gia trên thế giới. Tôi tin rằng, ngành du lịch giữ vai trò quan trọng để duy trì mối quan hệ tốt đẹp này. Hy vọng trong tương lai, mối quan hệ cũng như giao lưu du lịch giữa hai nước ngày càng được tăng cường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!