Tuy nhiên, TNLĐ đang có xu hướng gia tăng, và vẫn có rất nhiều bất cập trong việc thống kê, báo cáo các vụ TNLĐ…
Chỉ 2 - 5% doanh nghiệp báo cáo TNLĐ
Theo thống kê sơ bộ của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH), từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã xảy ra 3.531 vụ TNLĐ làm 3.642 người bị nạn, thiệt hại về vật chất tới hơn 143 tỷ đồng (tăng 2,62 lần so với năm 2010). Còn thống kê tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy, hơn 40% số bệnh nhân cấp cứu chấn thương do TNLĐ. Song, chỉ 50% địa phương báo cáo đúng thời hạn, và chỉ 2 - 5% số doanh nghiệp thực hiện việc này. Ông Vũ Như Văn, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: "Nhiều trường hợp TNLĐ, nhưng gia đình tự thỏa thuận với doanh nghiệp nên không báo cáo. TNLĐ xảy ra ở ngành nông nghiệp cũng nhiều, nhưng do đối tượng không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên nhiều vụ xảy ra không được thống kê".
Bà Trần Ngọc Lan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho hay, về nguyên tắc, những người sử dụng lao động phải trang bị phương tiện bảo hộ, tập huấn ATLĐ, giám sát việc thực hiện ATLĐ hàng ngày. Nhưng qua nghiên cứu của ngành y tế, nhiều doanh nghiệp không quan tâm, còn người lao động chỉ chú trọng đến năng suất. Hậu quả là có những vụ TNLĐ gây chết người chỉ vì những lỗi rất sơ đẳng như hút thuốc trong khi rót xăng dầu, không thắt dây an toàn khi leo cao... Những trường hợp này thường không được người sử dụng lao động giám sát, nhắc nhở.
Rồi chính việc báo cáo chậm và chưa chính xác khiến số liệu thống kê mới chỉ tính toán được số lượng vụ TNLĐ mà khó xác định được tần suất, dẫn đến việc các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách chưa có đủ căn cứ để đưa ra các chính sách, giải pháp đúng đắn và hiệu quả nhằm hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.
Thay đổi từ chính việc báo cáo
Nguyên nhân của tình trạng báo cáo sơ sài, thiếu chính xác do nhân lực làm công tác thống kê tại các sở LĐTB&XH còn mỏng. Biểu mẫu báo cáo phức tạp, chỉ tiêu báo cáo nhiều, thông tin cần tra cứu lớn, khiến các Sở và doanh nghiệp gặp khó khăn, nảy sinh tâm lý ngại báo cáo, báo cáo không kịp thời, thậm chí là báo cáo không có TNLĐ.
Để chấm dứt tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc sửa đổi hệ thống chỉ tiêu thống kê, báo cáo TNLĐ cho phù hợp trên nguyên tắc đơn giản dễ làm cho cơ sở, cần tăng cường lực lượng thanh tra, tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành chế độ báo cáo và kiên quyết với những doanh nghiệp vi phạm quy định về báo cáo tai nạn lao động.
Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động đã đưa ra phần mềm “Quản lý, kiểm soát ATVSLĐ và môi trường OSHEP - MM.01/06" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ trong quá trình làm công tác báo cáo, thống kê TNLĐ. Theo TS. Triệu Quốc Lộc, đây là bộ chương trình phần mềm về an toàn - sức khỏe và môi trường, có nội dung và chức năng của các phần mềm về quản trị dữ liệu và trình ứng dụng như tra cứu văn bản, tài liệu, tổng hợp, thống kê, phân tích đánh giá và dự báo số liệu…”.
Bà Trần Ngọc Lan nhấn mạnh, cần phải nâng mức phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm ATVSLĐ. Bên cạnh đó, khi người lao động bị TNLĐ mà mất đi khả năng làm việc hoặc tử vong, doanh nghiệp phải bị xử phạt về trách nhiệm xã hội, đồng thời, đền bù một khoản tiền riêng cho Nhà nước, vì họ là nguyên nhân làm xã hội mất đi một lao động... Có như vậy, mới không còn những con số “ảo” về tai nạn lao động.