KTĐT - Cách đây vài ngày, hơn 50 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có năng lực xuất khẩu đã ngồi lại bàn thảo về xúc tiến hàng thủ công mỹ nghệ tiếp cận thị trường châu Âu (EU).
Hạn chế lớn nhất trong quá trình đưa hàng sang bán ở EU hiện nay, theo các doanh nghiệp, chính là việc tìm kiếm bạn hàng, đối tác thương mại. Hiện vẫn có hơn 90% hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thông qua kênh trung gian của 1, 2 doanh nghiệp khác. Do đó, nhiều doanh nghiệp tuy làm ra được hàng đẹp nhưng vẫn bán giá thấp hơn 10%- 15% cho người khác xuất khẩu vì không tìm được thị trường tiêu thụ. Rất ít doanh nghiệp bán thẳng các sản phẩm của mình cho người tiêu dùng ở các nước EU như: Công ty gốm sứ Minh Long I, Cường Phát...
Đây là tình trạng chung ở nhiều thị trường khác, không riêng gì EU. Nguyên Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt Đặng Ninh Phương sau chuyến đi Johannesburg (Nam Phi) kể: Hiện nay 80% đồ gỗ mà Nam Phi nhập khẩu là từ các công ty Trung Quốc, nhưng trong đó hàng Việt Nam chiếm một tỷ lệ đáng kể. “Khi mua sắm đồ gỗ, người tiêu dùng Nam Phi cứ nghĩ rằng sản phẩm đó được làm ra ở Trung Quốc”, ông Phương nói.
Xuất khẩu qua tầng nấc trung gian, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ thiệt cả đôi đường: Giá bán thấp, khó có thể nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, mất thương hiệu. Chưa kể, một vòng luẩn quẩn đang đợi sẵn: giá bán thấp hạn chế khả năng của doanh nghiệp trong việc đầu tư mở rộng nhà xưởng, cải tiến máy móc thiết bị, cũng như phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm; chính điều này lại khiến xuất khẩu trực tiếp trở nên khó khăn gấp bội.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chủ động hơn, qua các kênh làm việc trực tiếp hoặc qua các đoàn khảo sát của doanh nghiệp EU cũng như doanh nghiệp của các thị trường khác vào Việt Nam- các chuyên gia kinh tế khuyến cáo. Một khảo sát năm 2008 của Trung tâm Thương hiệu (Đại học Thương mại) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủ công mỹ nghệ cho thấy, có tới 80% số hợp đồng mà các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với nước ngoài là do đối tác tự tìm đến với chúng ta. Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp không nên nản lòng khi khách hàng chỉ mua một lượng hàng rất nhỏ. Bởi vì nhiều khi chỉ từ một lượng hàng nhỏ cũng có thể hình thành lên một trào lưu tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thông qua sự giới thiệu của khách hàng đó với người thân, bạn bè.
Để có thể tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, ông Lê Bá Ngọc, Giám đốc dự án phát triển các làng nghề Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu nên tìm đến các kênh phân phối riêng, bởi các đối tượng khách hàng này luôn tìm kiếm những mặt hàng thực sự đặc biệt để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, đơn hàng của họ cũng không quá lớn, hoàn toàn phù hợp với năng lực của các nhà xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Còn các doanh nghiệp sản xuất nhất thiết phải tăng cường phát triển về mẫu mã, tạo sự khác biệt cho sản phẩm để nâng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bà Yoko Kawaguchi, chuyên gia Nhật Bản khẳng định rằng, để có thể chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng với sở thích của người Nhật và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày. Hàng hoá sản xuất ra nên phát triển theo hướng đa dạng hoá sản phẩm bằng cách đa dạng hoá chủng loại, giảm về số lượng thành phẩm để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa chất lượng và giá thành sản phẩm, bởi người Nhật Bản bây giờ luôn quan niệm “hàng rẻ là hàng kém chất lượng”, họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm chất lượng tốt.
Còn đối với các nhà nhập khẩu lớn của EU, ông Victor Lamont, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), cho rằng yếu tố quan trọng nhất không phải là những sản phẩm khác biệt mà chính là những dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp, chẳng hạn như đơn hàng có được sản xuất đúng thời hạn không, tính linh hoạt, các vấn đề về hậu cần cũng như các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của nhà xuất khẩu có tốt không. Nếu nhà xuất khẩu đảm bảo được các yếu tố này thì các nhà nhập khẩu sẽ đồng ý nhập hàng.
Tuy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện chỉ mới chiếm 1,5% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Hoa Kỳ, 1,7% của Nhật Bản và 5,4% của EU, nhưng nếu như trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này tăng gấp đôi thì sẽ mang lại kim ngạch rất lớn cho mặt hàng này.