Giải phóng mặt bằng tại quận Hai Bà Trưng thành công nhờ người dân đồng thuận

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù đối mặt rất nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại quận Hai Bà Trưng đã thu được kết quả tích cực. Nguyên nhân quan trọng là từ quận đến các địa bàn dân cư làm tốt công tác tuyên truyền, vận động.


Không hình thành "điểm nóng" khiếu kiện.

Xác định khi cả hệ thống đồng lòng thì người dân mới tin tưởng, ủng hộ chủ trương GPMB, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, công tác bồi thường, thu hồi đất trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã tạo được mặt bằng triển khai thực hiện nhiều công trình quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Diện mạo đô thị thay đổi rõ, nổi bật là dự án Vành đai 1, Vành đai 2 dưới thấp và trên cao; tu bổ, tôn tạo cụm di tích đình - điền - chùa Hai Bà Trưng; hạ tầng kỹ thuật sân, vườn, cây xanh khu đất ao Đông Ba; mở rộng trường Tiểu học Trung Hiền…, giúp từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, giảm ùn tắc, nâng cao chất lượng sống.

Lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng trao Giấy chứng nhận cho phường Quỳnh Lôi công nhận Công trình Vườn hoa Quỳnh Lôi được gắn biển chào mừng kỷ niệm 62 năm thành lập quận (1961 - 2023).
Lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng trao Giấy chứng nhận cho phường Quỳnh Lôi công nhận Công trình Vườn hoa Quỳnh Lôi được gắn biển chào mừng kỷ niệm 62 năm thành lập quận (1961 - 2023).

Với mục tiêu “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, không hình thành “điểm nóng” khiếu kiện, Ban Thường vụ Quận ủy đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo GPMB vào chương trình công tác hằng tháng, quý; trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo GPMB trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và theo tiến độ các dự án trọng điểm TP đề ra.

UBND quận giao nhiệm vụ cụ thể từng tổ công tác, lập nhóm Zalo thành viên tổ công tác GPMB. UBND các phường phân công cán bộ tiếp nhận kiến nghị của người dân, công khai số điện thoại Chủ tịch phường và cán bộ phụ trách GPMB theo địa bàn, đề nghị người dân cùng giám sát...

Nội dung mới là ngày 30/9/2022, UBND TP ban hành Quyết định 3558/QĐ-UBND ủy quyền UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Vượt nhiều khó khăn ban đầu, chỉ sau 2 tháng, UBND quận đã ban hành được 2 quyết định phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, tái định cư đối với dự án kết nối đường qua Công ty xe bus với dự án 423 Minh Khai và dự án xây trường tiểu học tại 349 Minh Khai.

UBND quận phải ban hành nhiều quyết định cưỡng chế thu hồi đất ở một số dự án nhưng nhờ cán bộ kiên trì thuyết phục, các hộ đã tự nguyện bàn giao mặt bằng trước ngày tổ chức cưỡng chế. Tiêu biểu, dự án Vành đai 2 (cầu Vĩnh Tuy - cầu Mai Động) không phải cưỡng chế kiểm đếm hộ nào.

“GPMB được đẩy nhanh nhờ từ quận đến phường chú trọng cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từ khi mới có dự án, minh bạch chính sách, tăng trách nhiệm chính quyền, thường xuyên tuyên truyền, thực hiện nghiêm trình tự thu hồi đất…”- Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng Trịnh Lê Đức nói.

Gỡ khó trong thực hiện tái định cư
Năm nay, quận Hai Bà Trưng triển khai 18 dự án do UBND quận làm chủ đầu tư với tổng kinh phí dự kiến 1.654,187 tỷ đồng, 10 dự án do chủ đầu tư khác thực hiện với tổng kinh phí 2.532,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, quan tâm bảo đảm tiến độ các dự án xây trường tiểu học tại điểm đất 349 Minh Khai, kết nối đường qua Công ty xe bus với dự án 423 Minh Khai, xây đường nối ngõ 61 Lạc Trung và ngõ 423 Minh Khai; GPMB, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật, thắng cảnh hồ Thiền Quang và cụm di tích chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa; mở rộng trụ sở Bộ Công an...

Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để bảo đảm tiến độ được giao trong năm 2023 và tiếp theo, UBND quận đã yêu cầu các phường có dự án phải GPMB tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể gắn với giải pháp sát thực tế địa bàn, từng đối tượng.

Đồng thời coi trọng đối thoại, hòa giải, giải quyết nhanh và đúng những thủ tục liên quan thu hồi đất, không để khiếu kiện đông người vượt cấp...

ong, quận tiếp tục kiến nghị TP căn cứ nhu cầu quận đề xuất thì tạm thời giao cho một quỹ nhà tái định cư chung, để quận chủ động điều tiết với những dự án có GPMB, đền bù, hỗ trợ, tái định cư.

“Mỗi lần có dự án, quận phải báo cáo TP thông qua Sở Xây dựng để bố trí cho một số nhà, tức số lượng nhà phải chờ đợi qua các bước rất lâu. Trong khi triển khai các dự án trọng điểm của TP trên địa bàn quận, như đường Vành đai 2 cho thấy, đa số người dân nhận chính sách hỗ trợ tự lo tái định cư thay vì nhận nhà tái định cư.

Vì thế, quỹ nhà tái định cư của TP chỉ cần chiếm 30 - 50% nhu cầu cho dự án, sau đó để làm quỹ “mồi” cho quận chủ động việc này. Cơ chế giá bồi thường 6,8 triệu đồng cho 1 hộ áp dụng từ 2017 đến nay cũng đã lạc hậu”- ông Trịnh Lê Đức phân tích.